Theo KPL, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII đang diễn ra, mới đây Bộ trưởng Công chính và Vận tải đã có phần trình bày dự thảo luật Đường sắt. Theo đó, dự thảo luật nói trên gồm 14 chương, 21 khoản và 165 điều, kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý thực hiện kế hoạch phát triển giao thông đường sắt của Lào trong tương lai, nổi bật là các dự án lớn như: đường sắt Lào Trung, đường sắt Lào Thái giai đoạn 2, đường sắt Thủ đô Viêng Chăn – Vũng Áng (Việt Nam). Nội dung dự thảo xoay quanh các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông đường sắt nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian so với vận tải đường bộ.
Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu quốc hội đều phản ánh lo ngại về tiến độ đền bù rất chậm của dự án đường sắt Lào Trung. Phó chủ tịch Quốc hội, ông Sengnuan Xaynhalath là người chủ trì phiên thảo luận góp ý dự thảo trên đã đưa ra các câu hỏi định hướng xem xét, góp ý về: sự hợp lý với tên bộ luật, nội dung của chiến lược đường sắt đã đầy đủ hay chưa, việc quy định phạm vi giới hạn, việc đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí tổn thất, việc quy định đơn vị giá xây dựng và bảo trì, trách nhiệm của nhà quản lý đường sắt, các hình thức kinh doanh đường sắt và các vấn đề môi trường xung quanh, về quy định đất nằm trong dự án, việc xây dựng đường vào nơi thi công. Qua đó đề xuất lập ban chuyên trách xuống khảo sát chi tiết để đảm bảo các tiến độ thi công và đền bù đúng theo quy định, hợp lý với tình hình thực tế, đem lại lợi ích cho nhân dân và việc thi công thân thiện với môi trường.
Kết thúc buổi thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải, ông Viengsavat Siphandone đã giải thích thắc mắc của nhiều đại biểu quốc hội về việc phân định ranh giới phạm vi an toàn đường sắt lên tới 50m, theo ông quy định trên dựa theo hợp đồng ký kết dự án đường sắt Lào – Trung, hệ thống này vận hành các tàu tốc độ cao, qua tính toán mức độ an toàn và các chỉ số nguy cơ thì cho thấy phạm vi 50m là đạt tiêu chuẩn, nếu muốn có thể giảm phạm vi này xuống đồng thời kéo theo việc phải điều chỉnh giảm tốc độ các tàu xuống so với hợp đồng ban đầu. Bên cạnh đó, lãnh đạo bộ còn giải thích các mặt tích cực và tiêu cực mà dự án này mang lại, điểm lại sơ bộ tình hình sử dụng nhân công Lào, việc sử dụng các vật liệu tự sản xuất và biểu chi phí đảm bảo của dự án.
Qua thông tin có thể thấy, dự án đường sắt Lào Trung tiếp tục là đề tài nóng của nghị trường Lào. Dư luận xã hội thời gian qua cũng đang cho thấy sự bất bình với nhiều vấn đề của dự án này như việc đền bù đất đai không thỏa đáng, chiếm dụng tài nguyên khoáng sản – đất đai trong thi công, gây ô nhiễm môi trường, phá hoại các cộng đồng địa phương truyền thống, thiên vị doanh nghiệp TQ trong sử dụng nhà thầu phụ – đối tác cung cấp dịch vụ phụ trợ, lao động TQ vào Lào quá nhiều gây mất an ninh trật tự, tội phạm xã hội, nạn buôn bán phụ nữ, lừa đảo kết hôn. “Quả ngọt” từ dự án đường sắt Lào – Trung có lẽ còn phải đợi thời gian dài để kiểm chứng, nhưng ngay lúc này người dân Lào đã rất bất bình với những “quả đắng” mà họ phải gánh chịu.
Theo KPL