Chủ một cửa hàng làm tóc tại thủ đô Vientiane sư dụng biện pháp cạnh tranh với các tiệm tóc thuộc sở hữu của người nước ngoài bằng việc đầu tư quảng cáo, kêu gọi người Lào sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi người Lào.
Bà Saphavanh Chanthalack, chủ một tiệm tóc trên đường Phonetong, quận Chanthabuly đã treo một băng rôn nhiều màu sắc với trung tâm là dòng chữ “thợ cắt tóc người Lào” ngay trước của tiệm của mình, thông điệp thể hiện chủ sở hữu tiệm là người Lào chứ không phải là người nước ngoài. Bà cho biết, thông qua việc làm này, hy vọng tiệm có thể thu hút khách hàng Lào ủng hộ các cơ sở dịch vụ do người Lào làm chủ.
Hoạt động quán tóc trong 15 năm, tuy nhiên vài năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với lượng người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao. Nếu không có động thái gì mới, tiệm tóc của bà Saphavanh khó có thể tồn tại khi dịch vụ mà người nước ngoài cung cấp có giá rẻ hơn.
Theo thống kê kết quả hoạt động trong vài tháng trở lại đây, bà Saphavanh cho biết ngày càng có nhiều khách hàng Lào đến tiệm của bà để làm tóc, điều này cho thấy chiến lược quảng cáo đã phát huy hiệu quả.
Mặc dù thừa nhận không bị nhiều áp lực từ việc số lượng tiệm tóc của người nước ngoài gia tăng nhanh chóng, bà Saphavanh cũng như nhiều chủ tiệm khác đặt câu hỏi về việc tại sao các cơ sở làm tóc của người nước ngoài có thể tồn tại với chi phí dịch vụ thấp hơn trong khi vẫn phải chi trả cho thuê mặt bằng và các chi phí khác.
Sẽ là không công bằng cho người Lào nếu các cơ sở dịch vụ của người nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế, bà Saphavanh nói. Qua đó, bà này cũng gửi đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xem các cửa hàng của người nước ngoài có giấy phép kinh doanh và khai báo thuế hay không.
Theo quy định của Luật pháp Lào, mọi hoạt động kinh doanh trên đất nước Lào đều cần có giấy phép, mỗi chủ kinh doanh phải khai báo thuế và có mã số thuế cá nhân. Đặc biệt, các cửa hàng cắt tóc, làm đẹp không cho phép người nước ngoài đứng tên vì đây là một trong các lĩnh vực chỉ dành riêng cho công dân Lào. Điều này có nghĩa là người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này không nôp thuế do họ vốn không được phép làm từ đầu.
Tháng trước , Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định khung xử phạt hành chính đối với các trường hợp sai phạm trong vấn đề hoạt động kinh doanh và sử dụng lao động nước ngoài. Doanh nghiệp sai phạm sẽ bị cảnh cáo lần đầu và bị buộc đóng cửa nếu không có đủ giấy phép hợp lệ trong vòng 90 ngày, ngoài ra công dân nước ngoài vi phạm cũng sẽ bị trục xuất về nước.
Theo MediaLao