Từ khi thực hiện đường lối kinh tế mở cửa năm 1986, ngành địa chất – khoáng sản đã có những bước phát triển nhanh chóng
Theo thông tin từ Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, đến nay Lào đã thăm dò phát hiện tổng cộng hơn 570 địa điểm có mỏ khoáng sản, trải rộng trên diện tích 162.104 Km2, tương đương 68.46% tổng diện tích cả nước. Giai đoạn 2003-2017, ngành Địa chất – Khoáng sản là một trong những ngành đi đầu trong phát triển kinh tế quốc gia, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ USD, tương đương bình quân 150 triệu USD/ năm.
Từ khi thực hiện đường lối kinh tế mở cửa năm 1986, ngành địa chất – khoáng sản đã có những bước phát triển nhanh chóng. Chính phủ và chính quyền địa phương đã cấp phép cho tổng cộng 718 công ty hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó 275 đơn vị do nhà nước cấp phép, 443 đơn vị do địa phương thực hiện cấp phép, tổng cộng có 449 dự án. Trong đó, giai đoạn thăm dò có 39 dự án của 27 đơn vị, 115 dự án khảo sát của 66 đơn vị, dự án trong giai đoạn khảo sát khả thi kinh tế – kỹ thuật là 81 dự án của 54 đơn vị, có 141 dự án tô nhượng khai thác của 79 đơn vị, 38 dự án của 35 đơn vị đang trong quá trình xây dựng luận chứng kinh tế – kỹ thuật, có 35 dự án đã thực hiện bởi 14 đơn vị. Các đơn vị đầu tư ngành khai khoáng có cả trong và ngoài nước.
Số loại khoáng sản khai thác được tăng nhanh chóng từ con 3 lên 12 loại. Trong đó có 79 doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện 7 dự án khai thác khoáng sản gồm, dự án khai thác vàng – đồng Xepon – Savannakhet; dự án khai thác vàng – đồng Phoubia, tỉnh Xaysombun; dự án khai thác vàng huyện Khamkeud, tỉnh Bolykhamxay; dự án khai thác than đá cung cấp sản xuất nhiệt điện tại Xaynhabuly và dự án khai thác muối mỏ Potass tại Khammuan.
Doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản chủ yếu để phục vụ bình ổn giá các mặt hàng xuất nhập khẩu của Lào, đảm bảo ổn định đồng Kíp và nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng các địa phương đặt dự án, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, tạo cơ sở phát triển đô thị hóa nông thôn.
Tiềm năng khoáng sản của Lào vẫn đang là rất lớn với đa dạng về chủng loại vàng, đồng, bạc, niken, chì, than đá, boxit, đá vôi, sắt, đá quý, muối Potass, thiếc, thạch cao, kẽm, đá dolomite, quặng barit…Cơ quan thăm do khảo sát khoáng sản trực thuộc nhà nước là Công ty phát triển khoáng sản Lào, đơn vị chịu trách nhiệm hợp tác vốn với các công ty đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực khoáng sản. Ngoài ra, Lào đã ký các hợp tác về nghiên cứu địa chất với Việt Nam và Trung Quốc và ban hành Luật Khoáng sản sửa đổi bổ sung mới nhất vào năm 2017.