Nguồn vàng trong nước khai thác được đều đem ra ngoài lãnh thổ, các nhà kinh doanh vàng tại Lào không được hưởng lợi từ các mỏ của quốc gia và phải nhập từ nước ngoài.
Theo tờ Vientiane Times, giá vàng tại Lào đang tăng do tác động từ cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đến nền Kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo trang tin này, về cơ bản, thị trường vàng tại Lào là thị trường độc lập, không nhất thiết phải tuân theo quy luật tỷ giá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại khi các giao dịch vàng tại nước này đều biến động theo thị trường toàn cầu.
Theo thông tin từ cửa hàng vàng Phouvong, một trong những thương hiệu trang sức hàng đầu của Lào cho biết, giá vàng ở thời điểm hiện tại là 6 triệu Kíp/ Bath và 1.5 triệu Kíp/ Saleung. Trong đó, Bath và Saleung là hai đơn vị vàng riêng của Lào, 1 Bath tương đương với 15 Gram và 1 Saleung tương đương 3.75 Gram, bằng với khối lượng 1 chỉ vàng của Việt Nam. So với cuối năm 2018, giá vàng có biến động tăng rất mạnh từ 5.34 triệu Kíp/ Bath và 1.34 triệu Kíp/Saleung.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng và trang sức tại Lào, giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào xu hướng toàn cầu do hầu hết loại kim loại quý này đều được nhập từ nước ngoài, và đặc biệt, còn phụ thuộc vào giá trị đồng USD và Bath. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường quan đối với Lào khi phần lớn vàng tại Lào được nhập từ nước này. Vì vậy, biến động giá vàng tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng tại Lào.
Theo Reuter, giá vàng thế giới đã có 5 phiên tăng liên tục do đồng USD bị yếu và căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy cao. Vàng giao ngay có mức tăng chóng mặt, đạt 1.430 USD/Oz trong sáng sớm 26/6 hôm nay, cao hơn 8,3% (107,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018.
Chính phủ Lào đã cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến vàng thành phẩm cho nhiều công ty nhưng các doanh nghiệp kinh doanh đá quý, trang sức trong nước lại không được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phong phú của quốc gia. Theo Chủ tịch hiệp hội thương mại và trang sức Lào Phouvong Phamisith, hầu hết các công ty khai thác vàng trong nước đều xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp trong nước đều phải nhập từ nước ngoài hoặc tận dụng các mỏ khai thác quy mô nhỏ. Vị này cho biết thêm, Nhà nước nên có chính sách tạo lợi thế cho doanh nghiệp nội địa được tiếp cận với các dự án khai thác trên lãnh thổ Lào. Điều này sẽ giúp người dân mua được vàng và trang sức có giá rẻ hơn.
Tổng hợp