Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và Bảo vệ tiền gửi Lào vừa tổ chức hội đàm song phương để trao đổi về hợp tác giữa hai bên.
Đoàn đại biểu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV), do ông Vũ Văn Long, Phó Tổng Giám đốc DIV làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Bảo vệ tiền gửi Lào, do bà Sengdaovi Vongkhamxao, Giám đốc Bảo vệ tiền gửi Lào làm Trưởng đoàn.
Tại hội đàm, hai bên đã cùng nhau đánh giá lại kết quả hợp tác trong vòng một năm qua; trao đổi kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới; trao đổi việc điều chỉnh nội dung Bản ghi nhớ (MOU) giữa DIV và Bảo vệ tiền gửi Lào; và trao đổi kinh nghiệm của DIV trong việc phối hợp, thực hiện công việc với Ngân hàng thế giới cũng như kết quả hợp tác giữa DIV với Ngân hàng thế giới (WB) trong năm qua.
Các vấn đề mà Bảo vệ tiền gửi Lào muốn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ DIV gồm việc quản lý nguồn vốn; cách thu thập dữ liệu tiền gửi; quản lý, bố trí hệ thống dữ liệu thông tin; quản lý, bố trí hệ thống mạng lưới nội bộ; thực hiện công việc thực tế về quản lý nguồn nhân lực; và thực hiện công việc thực tế của Văn phòng DIV.
Đồng thời, hai bên còn trao đổi về việc tổ chức hội đàm song phương giữa Bảo vệ tiền gửi Lào và DIV tại Hà Nội.
Về kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong năm 2020, Bảo vệ tiền gửi Lào đề nghị tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo hiểm tiền gửi với DIV, đi sâu vào việc theo dõi tình hình của ngân hàng kinh doanh và các chi nhánh của ngân hàng kinh doanh thành lập tại Lào, để trao đổi dữ liệu thông tin và có thể theo dõi tình hình của các thành viên gắn với Nguyên tắc cốt lõi của hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả (IADI Core Principles), như vấn đề xuyên biên giới (Cross Brorder Issues). Chủ đề trao đổi cụ thể sẽ được hai bên tiếp tục bàn bạc.
Bên cạnh đó, Bảo vệ tiền gửi Lào còn phối hợp với DIV tổ chức Hội thảo về “quản lý nguồn vốn bảo vệ tiền gửi” và “tổ chức, thực hiện việc tạo dựng sự hiểu biết cho người dân,” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ DIV.
Đây là công việc quan trọng, đặc biệt trong thời gian Bảo vệ tiền gửi Lào đang tập trung nghiên cứu Thỏa thuận về các nguồn vốn của Bảo vệ tiền gửi Lào và nghiên cứu dự thảo chiến lược về tạo dựng sự hiểu biết cho người dân.
Vì vậy, còn nhiều lĩnh vực mà Bảo vệ tiền gửi Lào sẽ phải đi sâu trao đổi thêm với DIV, đặc biệt là cách thức quản lý nguồn vốn bảo vệ tiền gửi để làm sao nguồn vốn ngày càng phát triển, có thể đảm bảo việc hoàn trả lại tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp một cơ sở tài chính thành viên nào đó bị phá sản và để xã hội ngày càng biết nhiều hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo hiểm tiền gửi, để tạo dựng lòng tin cho xã hội và để xã hội quay sang sử dụng dịch vụ tiền gửi ở các cơ sở tài chính.
Bảo vệ tiền gửi Lào DPO là cơ quan trực thuộc ngân hàng Trung ương Lào, có tiền thân là Quỹ bảo vệ tiền gửi được thành lập từ tháng 9/1999. Sau gần 20 năm hoạt động, DPO đã có những đóng góp đáng kể vào việc quản lý nguồn vốn bảo vệ tiền gửi của khách hàng, tính đến nay, đã có 40 ngân hàng thương mại là thành viên của DPO. Hiện Lào cũng đang xây dựng một số quy định liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền, gần nhất là Chỉ thị về bảo vệ tiền gửi được Chính phủ ban hành tháng 10/2017 về việc chuyển đổi Quỹ bảo vệ tiền gửi thành Cơ quan bảo vệ tiền gửi, là cơ quan nhà nước tương đương cấp Cục.
Theo TTXVN