Tại Lào, ngoài thế mạnh về công nghiệp sản xuất điện và tài nguyên thiên nhiên. ” Nguồn điện của Châu Á” còn là mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp dệt may với vốn đầu vào thấp và chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên ngoài trở ngại thiếu hụt trầm trọng thợ lành nghề, các yếu tố thị trường bên ngoài khiến khả năng xuất khẩu của ngành dệt may Lào giảm sút.
Trong 5-10 năm trở lại đây, khả năng xuất khẩu hàng dệt may của Lào đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể, đặc biệt là đạt đỉnh 219 triệu USD trong năm 2011. Ngành dệt may Lào cũng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong nước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, lượng xuất khẩu hàng dệt may của Lào đã giảm sút mạnh tới 17.8%.
Tính đến năm 2016, cả nước Lào có 85 nhà máy hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghiệp may mặc như sản xuất quần áo cho thị trường trong nước, xuất khẩu, in ấn thời trang, nhuộm, dệt, đóng gói sản phẩm… với tổng số khoảng 27 nghìn lao động, trong đó 99.5% là lao động nội địa và 95% là lao động nữ.
Trả lời phỏng vấn báo chí Lào, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Dệt may Lào Xaybandith Rachaphon cho biết ngành dệt may tại Lào hiện nay đang gặp phải muôn vàn khó khăn khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm, bắt đầu từ việc mất cân đối giữa số đơn hàng và lượng lao động, liên tục gặp phải tình trạng thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào và giá nhân công tăng khiến lợi nhuận từ việc đầu tư dệt may sụt giảm, từ đó nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ và chuyển hướng sản xuất khác.
Các thị trường xuất khẩu chính của Lào là các quốc gia EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản. Trong đó thị trường Đức chiếm đến 40% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may chung. Giá trị xuất khẩu dệt may của Lào trong năm 2018 vừa qua đạt khoảng 193 triệu USD.
Một nguyên nhân khác dẫn đến giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Lào giảm sút do các nhà đầu tư Trung Quốc đang chuyển dần các đơn hàng sang Campuchia và Myanmar, những quốc gia có giá nhân công ngang với Lào nhưng hơn hẳn về chất và lượng.
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Lào còn chỉ ra các nguyên nhân khác như việc thị trường thế giới biến động, giá đơn hàng thấp so với các năm trước, thời hạn xuất khẩu bị rút ngắn, công nghệ máy móc thay đổi liên tục đồng thời nguồn nguyên liệu cũng khó tìm kiếm đúng theo yêu cầu đơn hàng. Từ đó, các doanh nghiệp cần phải giảm bớt lượng nhân công không đạt tiêu chuẩn, chỉ giữ lại khoảng một nửa là thợ lành nghề so với lượng công nhân đông đảo trước đây. Hiện nay, theo ước tính Lào còn thiếu ít nhất 100 nghìn thợ dệt may đủ tiêu chuẩn, một con số rất khó để đạt được.
Tổng hợp