Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã giải cứu thành công 130 công dân bị các đối tượng lừa đảo qua mạng tại Thái Lan lừa bán đến Lào, Myanmar và Campuchia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Baghi cho biết các nạn nhân bị giam giữ trái pháp luật và bị ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng bởi các tổ chức kinh doanh lừa đảo trực tuyến và lừa đảo tiền ký thuật số.
Tương tự như trường hợp các công dân Malaysia mới đây, các công dân Ấn Độ đã bị dụ dỗ thông qua các quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội về cơ hội việc làm tại Thái Lan. Các công ty lừa đảo đưa những thông tin ảo về cơ hội việc làm, mức lương cũng như quảng bá về công ty có các trụ sở tại Dubai, Bangkok cũng như một số thành phố của Ấn Độ để tạo sự tin tưởng cho các nạn nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, các nạn nhân đã bị đưa vượt biên trái phép vào các khu vực khó tiếp cận của Myanmar, đồng thời có khoảng 80 nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo lừa đến Lào và Campuchia. Thông qua các thông tin thu thập được, Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức các hoạt động giải cứu số công dân bị các đối tượng lừa đảo đưa đến các nước Đông Nam Á trong đó có Lào.
Thời gian qua, công dân của các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines , Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, và thậm chí các quốc gia ở châu Phi và xa hơn nữa đã trở thành nạn nhân của các đối tương lừa đảo.
Theo một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, các mạng lưới lừa đảo thường liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, được thành lập ở các quốc gia thực thi pháp luật kém, quảng cáo tuyển dụng với hứa hẹn thu nhập lớn. Các nan nhân sau đó bị cô lập và đe dọa bằng bạo lực cho đến khi họ lừa được những người khác qua điện thoại để gửi tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Tổng hợp