Đoàn chuyên viên biên giới của hai nước nước Việt Nam và Lào đã trực tiếp tới thực địa để khảo sát, đo đạc, xác định vị trí và cắm cọc dấu các điểm đặc trưng của đường biên giới.
Trong 5 ngày từ ngày 20 đến ngày 24/2/2022, đoàn chuyên viên biên giới 2 nước Việt Nam và Lào đã tiến hành khảo sát song phương, xác định vị trí và cắm cọc đánh dấu điểm đặc trưng trên thực địa làm rõ hướng đi của đường biên giới hai nước tại đoạn từ mốc 257 – 259 giữa hai tỉnh Hủa Phăn và Sơn La.
Do tính chất địa hình phức tạp của đoạn biên giới từ cột mốc 257 đến cột mốc 259 (tiếp giáp giữa xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La của Việt Nam với Bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của Lào) nên nhân dân hai bên dễ nhầm lẫn trong quá trình canh tác và khó khăn cho hoạt động quản lý của lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. Vì vậy, theo đề nghị từ cấp cơ sở và lực lượng biên phòng của hai bên, đoàn chuyên viên biên giới của hai nước nước Việt Nam và Lào đã trực tiếp tới thực địa để khảo sát, đo đạc, xác định vị trí và cắm cọc đánh dấu các điểm đặc trưng của đường biên giới.
Trong thời gian làm việc, hai bên căn cứ vào lời văn Nghị định thư về đường biên giới giữa hai nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào ký ngày 16/3/2016 và bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000, sử dụng phương pháp giao hội bằng máy toàn đạc điện tử, kết hợp xét đoán địa hình thực tế để xác định vị trí, hướng đi cụ thể của đường biên giới đoạn cột mốc 257 đến 259.
Theo đó, để nhận biết đường biên giới thực địa đoạn từ cột mốc 257 – 259 hai bên đã xác định và cắm cọc đánh dấu điểm đặc trưng bằng bê tông cốt thép, kích thước 10cm x 10cm x 70cm (chôn sâu xuống đất 40cm) tại 11 điểm đặc trưng được đánh dấu từ 1 đến 11.
Hai bên đã bàn giao 11 cọc dấu đặc điểm đặc trưng nêu trên cho đại diện chính quyền địa phương và lực lượng chức năng liên quan của hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn để quản lý, bảo vệ. Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất mỗi bên sẽ báo cáo nội dung biên bản này lên trưởng đoàn đại biểu biên giới bên mình xem xét phê duyệt và thông báo cho nhau qua đường ngoại giao để làm căn cứ phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới chung giữa hai nước.
Quá trình khảo sát, trao đổi, xác định vị trí cắm cọc dấu diễn ra trong không khí của tình đồng chí đặc biệt hữu nghị Việt Nam- Lào; sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, cùng mục đích xây dựng đường biên giới quốc gia của hai nước ổn định, bền vững và bảo đảm giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước.
Theo VOV