Một báu vật của ngành cổ nhân loại học đã được tìm thấy ở hang Tam Ngũ Hào 2, nằm ở mặt phía Lào của dãy Trường Sơn: chiếc răng rất có thể thuộc về “loài người ma” Denisovans.
(trái) Hang Tam Ngũ Hào 2 và (phải) răng hàm của người Denisova
Các nhà cổ sinh vật học ở Lào đã tìm được một răng hàm mặt nhiều khả năng thuộc về một bé gái người Denisova đã tuyệt chủng. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng, một phần do hang động Lào là một trong 3 địa điểm từ trước đến nay từng khai quật thành công hóa thạch của loài người bí ẩn này.
Bên cạnh Siberia và cao nguyên Tây Tạng, giờ đây các nhà khoa học có thể bổ sung Lào vào danh sách ít nơi từng phát hiện dấu vết của người Denisova.
Hóa thạch răng hàm mặt được xác định có niên đại từ trung kỳ Thế Cánh Tân (cách đây khoảng 150.000 năm) và cũng là mẫu vật đầu tiên của loài người bí ẩn từng được tìm thấy ở Đông Nam Á, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications.
Đồng tác giả báo cáo, bà Laura Shackelford, nhà nhân chủng học của Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ), vô cùng phấn khích khi biết rằng người Denisova, cũng giống như họ hàng Neanderthal, cư trú ở nhiều môi trường khác nhau.
Khoảng 400.000 năm trước, người Denisova tách khỏi người Neanderthal. Nếu người Neanderthal sinh sôi khắp châu Âu, người Denisova lại di chuyển theo hướng đông về phía châu Á.
“Dù chúng ta đến nay chỉ thu thập được vài hóa thạch đại diện cho người Denisova, hóa thạch mới ở Lào cho thấy, cũng như người hiện đại, loài người đã tuyệt chủng này từng xuất hiện khắp châu lục và có khả năng thích nghi cao”, bà Shackelford giải thích. Người Denisova sống ở môi trường cực đoan như Siberia lạnh lẽo, Tây Tạng dưỡng khí loãng và cả Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới.
Bên cạnh đó, khám phá mới một lần nữa xác nhận rằng Đông Nam Á là “điểm nóng”, tập trung nhiều loài người trong giai đoạn từ trung kỳ và cuối kỳ Thế Cánh Tân. Bên cạnh Denisova, Đông Nam Á từng là nhà của người đứng thẳng (H. erectus), người Neanderthal, người lùn hobbit (H. floresiensis), người Callao (H. luzonensis) và người tinh khôn (H. sapien).
Theo Thanhnien