Chặng đường lịch sử, hợp tác giáo dục Việt – Lào ngày càng đạt nhiều thành tựu
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc Việt và Lào đã được hình thành, hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua 61 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhiều thăng trầm lịch sử, Việt – Lào luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt vĩ đại, gắn bó thủy chung, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ví trong câu thơ bất hủ “thương nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt – Lào hai nước chúng ta; tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và Chủ tịch Kayson Phomvihan khẳng định “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông”.
Trong suốt chặng đường hơn 60 năm qua, quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển mỗi nước. Ngoài mối quan hệ chính trị gần gũi, giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, kinh tế, thương mại ngày càng được mở rộng, hợp tác và tài trợ của Việt Nam cho Lào trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục cũng là một trong những điểm sáng đóng góp vào việc củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Kể từ những năm 1958 cho đến khi giải phóng 1975, Việt Nam đã có những hỗ trợ rất cụ thể giúp Lào xây dựng nền giáo dục quốc dân, xóa mù chữ và tiếp nhận lưu học sinh Lào; Giai đoạn từ năm 1986 – 2010, Việt Nam đã đào tạo cho Lào khoảng 12.000 lưu học sinh; Giai đoạn 2022 – 2020: Có trên 30.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam; Dự kiến giai đoạn 2021-2030 sẽ có 21.300 lưu học sinh Lào (diện hiệp định), ngoài hiệp định thì chưa có số liệu chính xác (nhưng qua theo dõi từ năm 1991 đến nay có khoảng 13.000 sinh viên, như vậy giai đoạn 2021-2030 có khoảng 34.300 lưu học sinh Lào tại Việt Nam). Số liệu thống kê tháng 02/2023 cho thấy: Lưu học sinh Lào chiếm 80% sinh viên quốc tế tại Việt Nam, được phân bổ học tập tại 177 cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa chuyên gia về giáo dục sang giúp Lào biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo các hệ tại chỗ, tài trợ về tài liệu, sách vở, mở rộng các hình thức đào tạo tại nhiều địa phương ở Lào, góp phần đào tạo và nâng cao trình độ văn hóa con em các bộ tộc vùng sâu, vùng xa của Lào.
Về tài trợ, Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình tại nhiều tỉnh thành tặng Lào phục vụ hơp tác giáo dục như Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở 4 khu vực: U-đôm-xay, Xa-va-na-khẹt, Chăm-pa-xăc, Xê-công; Trường Trung cấp dạy nghề tỉnh Bó kẹo; Trường Năng khiếu và dự bị đại học dân tộc thuộc Đại học Quốc gia Viêng Chăn; Trường PTTH Pông Khăm tỉnh Luang Pha Bang năm 2012; Trường Dân tộc nội trú tỉnh Xiêng Khoảng năm 2013; Khoa Tiếng Việt trường Đại học Chăm Pa Sak và đại học SuPhaNuVong năm 2018; Trường PTTH hữu nghị Việt – Lào thủ đô Viêng Chăn năm 2018; Trường Trung học nghề kiểu mẫu Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Savanakhet năm 2019 và gần nhất là ngày 29/9/2023, Bộ Công an Việt Nam đã xây dựng và bàn giao Học Viện Chính trị cho Bộ Công An Lào.
Các con số trên đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực hợp tác giáo dục của hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam – Lào trong suốt thời gian qua. Hai ngành giáo dục Việt – Lào đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Việt Nam và Lào sang học tập tại mỗi nước, theo tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao trình độ dân trí và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào. Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn công tác, đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Lào, tổ chức hội nghị bàn về công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giúp Lào, thúc đẩy hợp tác, giao lưu lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa các tỉnh, thành phố và các trường của hai nước. Trong Chiến lược hợp tác toàn diện những năm vừa qua, có 6 chương trình hợp tác lớn mà hai bên tập trung thực hiện thì giáo dục – đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xếp hàng đầu, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, số lượng sinh viên khá, giỏi tăng.
Số sinh viên và nghiên cứu sinh của Lào được Việt Nam đào tạo, khi trở về nước đã phát huy được năng lực. Nhiều lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam trở về nước công tác, nắm giữ những trọng trách trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp Lào, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội Lào. Đội ngũ này còn là nhân tố vô cùng ý nghĩa trong việc vun đắp và thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Ở chiều ngược lại, kể từ năm 1982 đến nay, Chính phủ Lào cũng đã đào tạo tổng số 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam học tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác lĩnh vực giáo dục giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam giúp Lào ngày càng phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Lào cũng tiếp nhận hàng trăm lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại các trường đại học của Lào.
Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào, Chính phủ Lào đã nhấn mạnh “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục của Lào, sự giúp đỡ đó là nguồn vốn vô cùng quý giá, không gì có thể so sánh được. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam sẽ không ngừng được vun đắp và ngày càng đơm hoa kết trái”.
Lào có nhu cầu lớn trong phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực
Giáo dục là một trong các lĩnh vực được ưu tiên phát triển của Lào, trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm lần thứ 9 (2021-2023), Chính phủ Lào nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong các mục tiêu quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Lào coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực mà thực tiễn phát triển kinh tế quốc gia đang có nhu cầu.
Ngoài quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, Lào và Trung Quốc có quan hệ hợp tác giáo dục nhiều mặt, tương đối sâu rộng, đã và đang thực hiện nhiều dự án giáo dục lớn. Từ năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng Học viện Khổng Tử thuộc Học viện Quốc gia Lào, đã đưa nhiều giáo viên Trung Quốc sang làm việc, đào tạo tiếng Trung cho sinh viên, tập huấn cho cán bộ, đào tạo nhân lực cho các dự án lớn của Trung Quốc tại Lào, đã đào tạo khoảng 25000 lượt người Lào. Số lượng sinh viên Lào tại Trung Quốc tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2019, có khoảng hơn 8000 sinh viên Lào. Hiện nay số lượng sinh viên Lào sang Trung Quốc học có hiện tượng giảm. Trung Quốc đã xây dựng và bàn giao cho Lào Trường Cao đẳng nghề đường sắt tại Thủ đô Vientiane vào ngày 12/10/2023 để đáp ứng mục đích xây dựng đội ngũ quản lý và vận hành tuyến đường sắt Lào – Trung.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Thái Lan có những chuyển hướng tích cực trong quan hệ hợp tác với Lào trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Năm 2006, có khoảng 200 lưu học sinh Lào tại Thái Lan. Hiện nay, hàng năm có khoảng gần 1000 sinh viên Lào tham gia học tập, đào tạo tại Thái Lan.
Năm 1997, khi Lào là thành viên thứ 8 của ASEAN, nhiều lưu học sinh Lào đã chọn sang một số nước khác học tập như Singapore, Philipines, Indonesia,… Ngoài ra, Chính phủ Lào còn cử sinh viên đi học tập tại một số nước theo diện tài trợ nhưng hạn chế như: Campuchia 60 sinh viên, Mông Cổ 50 sinh viên, Pháp 50 sinh viên, Úc 60 sinh viên,…
Chính phủ Lào hiện đang kêu gọi tăng cường hợp tác giáo dục với các thành viên ASEAN và Trung Quốc. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, bà KhanthaLy Siriphongphan, dẫn đầu các quan chức giáo dục Lào tham dự Hội nghị Trung Quốc – ASEAN về hợp tác và phát triển giáo dục nghề nghiêp 2023 tại Quảng Tây, Trung Quốc cho biết rất hoan nghênh sự hỗ trợ từ các nước ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt liên quan đến nông nghiệp, thông qua chia sẻ kinh nghiệm cho Lào.
Hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào còn nhiều dư địa phát triển
Ngày nay, ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa cùng với xu hướng hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy hai nước Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác về giáo dục. Các mô hình liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, hỗ trợ chuyên môn, đào tạo ngôn ngữ ngày càng nhiều hơn. Các cơ chế hợp tác giữa hai bên không chỉ đóng góp vào việc nâng cao số lượng và chất lượng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Lào, mà còn đặt ra một số thách thức cho cả hai nước, đòi hỏi hai nước phải từng bước điều chỉnh chính sách và cơ chế quan hệ song phương cho phù hợp với thông lệ quốc tế và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa quan hệ hợp tác giáo dục song phương, ngoài việc tập trung gia tăng chất lượng đào tạo cho lưu học như lãnh đạo hai bên đã từng nhấn mạnh trong các cuộc làm việc cấp cao thời gian qua. Hai nước có thể xem xét làm đa dạng hóa các mô hình đào tạo phù hợp để tận dụng các thế mạnh mỗi bên và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng lớn phục vụ phát triển kinh tế, trong đó Việt Nam có thể triển khai các cơ sở giáo dục chất lượng cao để đào tạo nguồn nhân lực ngay trong nước Lào trong bối cảnh những năm qua, quá trình quốc tế hóa và chuẩn hóa chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và có thứ hạng cao trong danh sách những trường đại học hàng đầu của khu vực châu Á và thế giới.
Mặc dù là một trong những điểm sáng của quan hệ hợp tác hai nước và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, quy mô hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào so với hợp tác giáo dục giữa Việt Nam với các nước khác còn khá khiêm tốn. Đơn cử, Vương Quốc Anh, Mỹ hay Australia hiện đã đầu tư cả cơ sở vật chất và chương trình đào tạo của họ tại Việt Nam rất quy mô và bài bản như trường Đại học Anh Quốc (BUV) với 100% vốn đầu tư nước ngoài, trường Đại học GreenWich đã hình thành trên nền tảng hợp tác giữa tổ chức giáo dục FPT và GreenWich. Hay RMIT một cái tên rất nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo đại học của Úc tại Việt Nam. Và gần đây nữa là việc ra mắt Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) năm 2018 với 100% vốn đầu tư từ Mỹ, mà xuất phát điểm chỉ là một chương trình học bổng đào tạo về hành chính công cho khoảng hơn trăm cán bộ công chức Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động. Các nước đã không dừng lại ở việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đào tạo (trường lớp, giáo trình, máy móc trang thiết bị…), mà còn đưa các độ ngũ quản lý, điều hành và đặc biệt là đội ngũ giảng viên bản địa có trình độ cao sang trực tiếp làm việc để nâng cao chất lượng đào tạo và hợp tác giáo dục.
Lào cũng đang có chính sách mở rộng hợp tác giáo dục với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam – Lào là mối quan hệ đặc biệt không gì có thể so sánh được như hai Đảng hai nhà nước khẳng định, tuy nhiên trong suốt thời gian qua, quan hệ giáo dục của hai nước phần lớn chỉ là tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, trao đổi du học sinh, đưa giáo viên sang tăng cường giáo dục,… Hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể, Việt Nam nói chung, ngành giáo dục nói riêng, sẽ có những hành động, việc làm mang lại hiệu quả, thiết thực hơn nữa, tạo dấu ấn tương xứng với tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt mà hai Đảng, hai Nhà nước đã dày công vun đắp, mong ước tăng cường hơn nữa về hợp tác giáo dục của nhân dân hai nước Việt – Lào, dù có chậm hay khó khăn đến mấy thì cũng phải tích cực thúc đẩy, có thể xã hội hóa hoặc kêu gọi các nguồn lực xã hội, để chung tay sớm đưa các cơ sở giáo dục chất lượng cao của Việt Nam hiện diện tại Lào để mở ra hướng đi mới cho quan hệ giáo dục và đào tạo giữa hai nước.
CTV: MM & Phương Nam