Tình hình trồng trộm cây thuốc phiên ở tỉnh Luang Namtha vẫn tiếp diễn. Riêng giai đoạn 2021 – 2022, ngoại trừ huyện Meuangsing, tất cả 04 huyện còn lại thuộc tỉnh Luang Namtha đều phát hiện hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện.
Trung tá Singkham Oudomphone Phó Chánh văn phòng Cảnh sát thuộc Sở Công an tỉnh Luang Namtha cho biết nhà chức trách phát hiện việc tái trồng cây thuốc phiện tại Luang Namtha vẫn tiếp diễn.
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2022 phát hiện 8 cụm bản gồm 20 bản, 181 hộ gia đình vẫn tái trồng cây thuốc phiện với tổng diện tích 90,15ha, so với giai đoạn 2020 – 2021 giảm 55,89ha. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy hoàn toàn số cây thuốc phiện trên diện tích trên.
Theo cơ quan công an, thực trạng trên cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong công tác xóa bỏ cây thuốc phiện tại Luang Namtha như chính quyền nhiều bản chưa phối hợp tốt, có sự bao che thông tin về địa điểm tái trồng cây thuốc phiện của người dân trong bản, hoặc có thái độ không hợp tác khi bị xử lý.
Ngoài ra, hoạt động tiêu hủy các khu canh tác thuốc phiện còn chậm khiến chủ vườn kịp thu hoạch và trốn tránh trách nhiệm, trong khi khu vực canh tác thuốc phiện là khu vực hiểm trở, khó tiếp cận.
Ở những vùng sâu vùng xa của Lào, với vị trí địa lý và địa hình trắc trở, nơi những thành tựu phát triển kinh tế chưa tiệm cận đến được. Bức tranh về cuộc sống của người dân khá ảm đạm, diện tích nương rẫy rải rác, gây khó khăn nhiều cho canh tác, có thể coi việc trồng cây thuốc phiện đem lại nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình.
Việc vận động tuyền truyền người dân phá bỏ diện tích thuốc phiện và chuyển đổi sang cây trồng nông nghiệp đã phát huy tác dụng tại một số địa phương, nơi diện tích canh tác đáp ứng đủ điều kiện, còn lại những nơi hiểm trở, cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát việc lén trồng hay tái trồng thuốc phiện của người dân.
Thực tế phải thừa nhận, trong tư tưởng của bộ phận nhân dân có mức dân trí chưa cao, thuốc phiện vẫn là một loại “thần dược”, một loại thuốc có tác dụng chữa bách bệnh cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đồng thời mang lại thu nhập kinh tế đáng kể cho gia đình. Ngoài ra, chính sách cấm phá rừng làm nương rẫy của nhà nước đã vô tình tạo cớ cho người dân giải thích về nỗi khó khăn khi canh tác nông nghiệp trên diện tích đất rời rạc, năng suất hạn chế, không biết bán cho ai…