Chính phủ Lào cho biết các nỗ lực giảm nghèo của nước này đã đạt nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua thông qua cung cấp điều kiện và cơ sở hạ tầng thiết yếu để tăng cường hoạt động sản xuất và thu nhập cho người dân.
Theo nội dung báo cáo của Chính phủ Lào tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ diễn ra mới đây. Sau các nỗ lực thực hiện chính sách giảm nghèo, đã có 48.067 hộ gia đình được xác định thoát nghèo, tương đương 23.52% kế hoạch của giai đoạn 5 năm (204.360 hộ gia đình), có 482 bản thoát nghèo, tương đương 15.5% kế hoạch (kế hoạch 5 năm là 3.104 bản).
Lào cũng có thêm 50.076 hộ gia đình phát triển, bằng 20,4% kế hoạch (kế hoạch 5 năm: 245.754 hộ), 559 bản phát triển , bằng 12,65% kế hoạch (kế hoạch 5 năm: 4.420 bản) và xây dựng 12 bản thành tiểu đô thị nông thôn. Ngoài ra, Lào xây dựng thành công 38.540 gia đình văn hóa, bằng 30% kế hoạch (kế hoạch 5 năm là 130.000 hộ), xây dựng 345 bản văn hóa, bằng 46% kế hoạch (kế hoạch 5 năm là 750 bản), mở rộng hệ thống loa phát thanh cộng đồng lên 1.751 bộ/bản, tương đương 62.53% kế hoạch (2.800 bộ/bản).
Ngoài ra, Lào cũng tập trung củng cố và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm để giúp các khu vực nông thông đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ sử dụng điện lưới ở Lào đạt 95.45% (kế hoạch 5 năm là 98%).
Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia (NSEDP) lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025 và Chính sách dân số và phát triển quốc gia giai đoạn 2019-2030, trong đó tập trung trao quyền cho thanh thiếu niên, hỗ trợ cải thiện sức khỏe sinh sản cũng như các chương trình ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, cũng như dữ liệu về phát triển.
Theo đó, Lào đã giảm tỷ lệ nghèo đói từ 48% năm 1990 xuống 18,3% trong năm 2018-2019 và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ từ 530 trên 100.000 ca sinh mới vào năm 2000 xuống 126 trên 100.000 ca sinh vào năm 2020.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Lào Bakhodir Burkhanov cho biết Lào dự kiến sẽ thoát khỏi tình trạng “quốc gia kém phát triển nhất” vào năm 2026, vì vậy đòi hỏi sự tăng cường chính sách để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, với 60% dân số dưới 30 tuổi, Lào cần tập trung thúc đẩy trao quyền và khả năng lãnh đạo cho giới trẻ để đảm bảo tương lai phát triển bền vững và hưởng trọn vẹn lợi tích nhân khẩu học.
Tổng hợp