“Hai bên dân tộc Lào và Việt cũng giống nhau, 2 bên kết nghĩa anh em đoàn kết tốt đẹp hơn, cùng bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc. Hai bên giúp nhau làm nương rẫy, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên.
Sông Xê Pôn chạy dọc Trường Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị trở thành biên giới giữa 2 nước Việt Nam- Lào. Đồng bào dù sinh sống 2 bên biên giới nhưng đồng điệu văn hóa, phong tục tập quán đã gắn kết họ lại với nhau. Đặc biệt, từ khi 2 nước láng giềng xây dựng mô hình kết nghĩa bản- bản, đồng bào thường qua lại thăm thân, mối thân tình giữa 2 dân tộc, 2 đất nước anh em thêm thắm đượm.
Khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nằm bên dòng Xê Pôn trong xanh. Bên kia biên giới là Bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào.
Năm 2012, khóm Duy Tân và Bản Phường tổ chức lễ kết nghĩa bản- bản. Đúng dịp 2 nước tổ chức sự kiện Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam- Lào, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị và chính quyền 2 bên tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm kết nghĩa cặp bản- bản. Gặp lại những người láng giềng, người anh em kết nghĩa, ai cũng tay bắt mặt mừng.
Pỉ Riềng, ở bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet vui mừng kể, 2 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, bà con không qua lại được. Nay mới được qua thăm bà con kết nghĩa, lại được Bộ đội Biên phòng Việt Nam tặng cây và bò giống, ai cũng vui.
“Chúng tôi rất vui vì hôm nay được qua Việt Nam thăm bà con kết nghĩa. Nhân dân Việt Nam, nhất là Bộ đội Biên phòng Việt Nam hay sang giúp đỡ. Lúc thì mang giống cây bời lời, sắn, chuối sang, lúc thì tặng bò giống. Bộ đội còn hướng dẫn bà con trồng cây, chăn nuôi. Mới đây, bà con còn được khám chữa bệnh miễn phí nữa” – Pỉ Riềng cho biết.
Những ngày này, bà con dân bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo được tham gia chào đón Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác của nước bạn Lào sang giao lưu hữu nghị nước ta tại tỉnh Quảng Trị.
Từ sáng sớm, bà con dân bản chọn bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của người Vân Kiều có mặt tại Quốc môn. Bà con xếp 2 hàng, trên tay cầm 2 lá cơ Việt Nam và Lào nồng nhiệt vẫy chào đoàn công tác.
Ông Hồ Tiếp, người dân tộc Vân Kiều ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo kể, bản Ka Tăng được kết nghĩa với bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet 15 năm trước. Đây là cặp bản đầu tiên trên tuyến biên giới của Quảng Trị được chọn thí điểm kết nghĩa với bản của nước nước bạn. Bà con thường xuyên giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn.
Theo ông Hồ Tiếp, vào các ngày lễ, Tết, đồng bào 2 biên giới lại nhộn nhịp băng rừng, vượt sông qua lại thăm nhau. Quà thăm tặng nhau có khi chỉ là bao nếp thơm, vài con cá suối, hay ché rượu cần… nhưng chan chứa tình anh em.
“Hai bên dân tộc Lào và Việt cũng giống nhau, 2 bên kết nghĩa anh em đoàn kết tốt đẹp hơn, cùng bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc. Hai bên giúp nhau làm nương rẫy, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên” – ông Hồ Tiếp nói.
Người dân 2 biên giới tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet có truyền thống tương thân, tương ái và giao thương lâu đời. Hầu hết nông sản của bà con Lào dọc biên giới đều sang Việt Nam bán rồi lại lấy tiền mua sắm đồ dùng, thức ăn về dùng. Người dân Lào dọc biên giới đau ốm, bệnh nặng cũng phải đưa sang trạm xá, bệnh viện ở Việt Nam cứu chữa.
Ông Vông Sạ Viêng Mạ Nị, Bí Thư Huyện ủy Sê Pôn, tỉnh Savanakhet của nước bạn Lào cho rằng, từ khi xây dựng mô hình kết nghĩa bản- bản càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt- Lào.
“Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình này, bởi vì đây là hoạt động nhằm xây dựng tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, giữa Quảng Trị- Savannakhet. Mô hình này nếu nhân rộng ra trên toàn tuyến biên giới sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới và xóa đói giảm nghèo khu vực biên giới” – Bí Thư Huyện ủy Sê Pôn cho biết.
Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản- bản” từ sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 24 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa.
Đại tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, từ mô hình kết nghĩa bản- bản, người dân 2 bên nỗ lực bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng tình đoàn kết, góp phần đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn bản biên giới; tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn khẳng định, trên hết là thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
“Chúng tôi sẽ tham mưu cho địa phương và trao đổi với chính quyền hai bên bổ sung những nội dung kết nghĩa xuất phát từ những yêu cầu tình hình ở biên giới của hai nước. Đó là an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh cũng như phòng chống thiên tai, làm sao phát huy sự kết nghĩa, đoàn kết của bà con nhân dân cùng với lực lượng bảo vệ biên giới hai bên để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới mỗi nước” – Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn cho biết.
Theo VOV