Nhiều thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, có khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ còn sót lại ở Lào. Bất chấp nguy hiểm tiềm tàng, một số dân làng sử dụng bom để xây dựng nhà cửa.
Một cậu bé đứng trước ngôi nhà được xây bằng bom do máy bay của Không quân Mỹ ném xuống trong Chiến tranh Việt Nam, ở làng Ban Napia, tỉnh Xiengkhouang, Lào. Ảnh: Insider.
Lào là quốc gia bị ném bom nặng nề nhất tính theo đầu người trong lịch sử. Theo Cơ quan Quy định Quốc gia (NRA), máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả hơn 270 triệu quả bom xuống Lào trong Chiến tranh Việt Nam.
Sarah Goring, nhà tài trợ và quản lý thông tin công cộng tại Mines Advisory Group (MAG), cho hay: “Con số đó tương đương với tần số ném bom cứ 8 phút 1 lần suốt 24 giờ trong 9 năm”. MAG là một tổ chức phi lợi nhuận làm nhiệm vụ rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) khỏi các vùng đất bị ảnh hưởng.
Có tới 30% số bom nói trên không phát nổ khi va chạm, tuy nhiên chúng vẫn là mối đe dọa chết người đối với các cộng đồng địa phương. Theo số liệu của NRA, kể từ năm 1964, có hơn 50.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn ở Lào.
Ở nhiều ngôi làng, những quả bom và các di tích thời chiến khác đã trở thành một yếu tố chính của cảnh quan và cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Thùng nhiên liệu máy bay đã được sử dụng để làm ca nô.
Chiếc ca nô làm từ thùng nhiên liệu do máy bay ném bom Mỹ thả xuống trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Insider.
Các phi vụ ném bom là một phần trong nỗ lực của Quân đội Mỹ nhằm phá hủy các đường tiếp tế của đối phương dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Nếu các phi công chiến đấu không thể hoàn thành nhiệm vụ ban đầu do thời tiết xấu, họ cũng sử dụng Lào làm bãi tập kết bom trước khi trở về căn cứ.
Dân làng đã tìm cách tái sử dụng những quả bom thành các chức năng khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng. Vỏ của những quả bom nhỏ đôi khi được sử dụng để trồng cây.
Một quả bom do máy bay của Không quân Mỹ ném xuống trong Chiến tranh Việt Nam được sử dụng để trồng cây ở làng Ban Napia, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Insider.
Người dân trong làng cũng sử dụng bom chưa nổ làm sắt vụn.
Bà Goring cho biết: “Người dân có ý tưởng bán chúng vì giá phế liệu rất cao. Bên cạnh đó, khi không có thu nhập, người dân có thể chấp nhận mọi rủi ro”.
Khi giá kim loại phế liệu giảm đáng kể vào năm 2008, số lượng các vụ tai nạn cũng sụt giảm, bà Goring nói thêm.
Ở Ban Napia, một ngôi làng thuộc tỉnh Xiengkhouang của Lào, một số dân làng bán dao kéo làm từ kim loại từ bom chưa nổ.
Làm ra những chiếc thìa bằng cách nung chảy bom. Ảnh: Insider.
MAG có một đường dây nóng khẩn cấp để phục vụ việc phá bom, tuy nhiên nhiều người đã quen với việc tự rà phá bom.
Vào năm 2021, đã có 35 vụ tai nạn liên quan đến bom trên khắp Lào liên, khiến 19 người thiệt mạng và 47 người bị thương.
Các vật liệu nổ tiếp tục hạn chế ngành du lịch của Lào, vốn có thể là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế nước này. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng dân làng hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo BPL