Đầu năm 2019, các xe tăng T-72B1MS của Lục quân Lào đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để làm thủ tục quá cảnh Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là loại xe tăng chủ lực hiện đại bậc nhất của Lào cũng như trong khu vực.
Vì không có cảng biển nên việc vận chuyển những chiếc xe tăng chủ lực T-72B1MS của Lào đều quá cảnh tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng thuộc miền trung Việt Nam và vận chuyển sang Lào qua đường bộ.
Vào tháng 1/2019, Lào đã trưng bày một số xe tăng T-72B1MS trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô. Không có thông tin chính thức về việc bàn giao T-72B1MS cho Lực lượng vũ trang Lào.
Được biết, hiện nay Lào đã có cho mình ~ 100 chiếc xe tăng chủ lực T-72B1MS Đại Bàng Trắng trong hàng ngũ Lục quân của nước này.
T-72B1MS “Đại bàng trắng” là một phiên bản nâng cấp của mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B MBT được ra mắt vào tháng 6 năm 2012. Xe tăng này do Nga phát triển, thiết kế và sản xuất.
Trong cái tên thì “Đại bàng trắng” dùng để chỉ gói nâng cấp nhanh giúp những chiếc xe tăng này đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Phiên bản hiện đại hóa mới này của T-72 được thiết kế đặc biệt cho thị trường xuất khẩu.
Vào tháng 6/2016, 20 chiếc xe tăng T-72B1MS đã được chuyển giao cho Nicaragua. Quốc gia Mỹ Latinh đã lên kế hoạch mua tổng cộng 50 chiếc xe tăng loại này.
Tới tháng 11/2020, Serbia nhận được lô T-72B1MS đầu tiên từ Nga. Quân đội Serbia đã trình làng chiếc T-72B1MS “Đại bàng trắng” mới vào ngày 28 tháng 11 năm 2020 – ngay sau khi những xe tăng này được gia nhập biên chế.
Xe tăng chủ lực T-72B1MS có chiều dài thân là 9,5m, chiều ngang là 3,59m. T-72B1MS “Đại bàng trắng” được trang bị động cơ Diesel B-84MS. Nó có thể chạy được tối đa 60 km/h với tầm hoạt động tối đa là 700 km.
Tháp pháo có lớp giáp đúc thông thường với độ dày tối đa 280 mm, hiệu quả bảo vệ của giáp xe khi đặt nghiêng tương đương 500 đến 600 mm. Để tăng khả năng bảo vệ khỏi đạn HEAT (Chống tăng nổ cao), xe tăng được trang bị Giáp phản ứng nổ Kontakt-1 (ERA) gắn ở hai bên sườn xe và xung quanh tháp pháo.
Chiếc T-72B1MS này có kíp lái gồm 3 người với lái xe ngồi trong thân xe phía trước, chỉ huy và xạ thủ nằm trong tháp pháo.
T-72B1MS còn được trang bị một động cơ phụ trợ APU giúp khởi động hệ thống điện, điều hòa,.. trong xe mà không cần khởi động máy chính, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng tính ngụy trang trên chiến trường khi xe đang nằm ẩn mình phục kích.
Động cơ điện phụ trợ (APU) này đã xuất hiện ở các xe tăng hiện đại nhất của Nga hiện nay.
T-72B1MS “Đại bàng trắng” giữ nguyên vũ khí trang bị của dòng xe tăng T-72 MBT, bao gồm một pháo nòng trơn 2A46 125mm có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau bao gồm cả đạn phá hoại ổn định bằng vây xuyên giáp (APFSDS), chống tăng có chất nổ cao ( HEAT) và đạn phân mảnh nổ cao (HEF).
Xe tăng này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động gắn trên sàn tháp pháo và cả trên thành sau của tháp pháo. Hệ thống nạp đạn tự động có sẵn 24 viên đạn sẵn sàng sử dụng. Pháo 125mm 2A45 của xe tăng được trang bị bộ ổn định mới.
Một súng máy 7,62mm được lắp đồng trục bên phải nòng pháo. Phía sau cửa hầm chỉ huy, có một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa được trang bị một súng máy hạng nặng 12,7mm 6P49 Kord.
Chiếc “Đại bàng trắng” cũng được trang bị ngắm Ngày/Đêm PN-72U Sosna-U. Tại ghế chỉ huy còn có kính ngắm toàn cảnh PKP-72 Falcon’s Eye với máy ảnh nhiệt thế hệ thứ 3 được gắn phía sau bến trái của tháp pháo. T-72B1MS cũng được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu tự động và hệ thống định vị GPS/GLONASS kết hợp.
Hiện tại, đây là phiên bản duy nhất trong gia đình xe tăng T-72 được lắp trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn trên đỉnh tháp pháo tích hợp camera hành trình.
Hệ thống điện tử và khả năng kiểm soát hỏa lực của T-72 Đại Bàng Trắng được xem là mạnh ngang xe tăng T-90S – loại xe tăng xuất khẩu chủ lực của Nga, và cũng được coi là xe tăng chủ lực mạnh bậc nhất thế giới hiện nay. Nguồn ảnh: Military-today.
Hình ảnh cận cảnh xe tăng T-72B1MS “Đại bàng trắng” của Lào. Nguồn: Lao Military.
Theo Kienthuc