Những ngày này, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An đón hàng nghìn lượt người đến thắp nến tri ân, dâng hương tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nghia trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào tọa lạc giữa thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Quốc Khánh) |
Hòa trong dòng người đến thăm, có những đoàn cựu chiến binh, đoàn thân nhân các liệt sĩ đến từ nhiều địa phương trong cả nước…
Ký ức của một cựu binh
Cựu chiến binh Vi Đức Cường năm nay đã 76 tuổi, trú tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ông bộc bạch: “Cứ mỗi dịp kỉ niệm 27/7 hàng năm tôi lại đến đây mò tìm tên đồng đội xem đã được quy tập về nước chưa”. Với cái dáng khom gầy, ông soi ngắm từng ngôi mộ, rồi mắt rơm rớm nhìn xa xăm, trầm mặc.
Chiến sĩ Vi Đức Cường thuộc Đại đội 24, Trung đoàn độc lập 866. Chiến đấu tại Lào từ năm 1965 đến tháng 5/1974. Ông nhớ, thời kì ác liệt nhất là những năm 1969 -1970, vào mùa mưa, ta không có đủ vũ khí đạn dược và lương thực thực phẩm, mà phía địch thì có trực thăng cứu tế và đổ bộ, nên lực lượng của ta hầu hết phải lui về tận biên giới Việt Lào là Nọng Hét và Kỳ Sơn, Nghệ An.
Mặt trận Xiengkhuang hồi đó, lính Mỹ chỉ có một tiểu đoàn, chủ yếu để bảo vệ lực lượng chuyên gia Mỹ và Sở chỉ huy Vàng Pao tại sào huyện Longcheng, tỉnh Xaysomboun bây giờ.
Đối tượng tác chiến thường xuyên liên tục của chúng chủ yếu là lực lượng phỉ Vàng Pao, thỉnh thoảng mới có lực lượng Hoàng gia (phái hữu Lào) và lính đánh thuê Thái Lan. Năm 1969, chúng điều động đến 50 tiểu đoàn đánh vào cánh đồng Chum, nên chính quyền Pa-thet Lào phải sơ tán nhân dân tỉnh Xiengkhuang về Nghệ An, lúc đó chỉ có quân tình nguyện Việt Nam là bám trụ lại.
Trong suốt từ năm 1965 đến 1974, chiến sĩ Vi Đức Cương chiến đấu ở mặt trận Cánh đồng Chum Xiengkhuang là chủ yếu, ông bảo: “Trận nào mình cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ khâu trinh sát đến kết thúc trận đánh.” Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1970 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngay tại mặt trận.
Cựu chiến binh Vi Đức Cường trên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào tìm tên đồng đội. (Ảnh: Quốc Khánh) |
Ông nhớ lại: “Trận Meuang Sui là trận ác liệt nhất mà tôi tham gia, vì nó nằm phía trong Trung tâm sở chi huy tiền phương của lực lượng Hoàng gia Lào, cách mặt trận tiền tuyến phía ta 2 ngày đường. Và trận lớn thứ hai là đánh vào Trường Hạ sĩ quan Meuang Cha, tỉnh Bolikhamxay của lực lượng Vàng Pao.
Tại đó, chúng tôi phải hành quân bộ một tuần mới tới. Đây là trường huấn luyện của Vàng Pao, chuyên đào tạo cán bộ trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng. Trận này chúng tôi diệt hơn 30 tên, bắt sống 16 tên, trong đó có một thiếu uý đánh thuê Thái Lan, cố vấn về kĩ thuật thông tin”.
Theo Ban liên lạc Trung đoàn 866, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập Trung đoàn 866 vào ngày 26 tháng 8 năm 1966, theo biệt danh tháng 8 và năm 1966, trên cơ sở tập hợp các phân đội Quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Bắc Lào, mà nòng cốt là tiểu đoàn 7 thuộc Quân khu Tây Bắc và tiểu đoàn 924 thuộc Quân khu 4.
Trải hơn mười năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, từ biên chế chỉ có hai tiểu đoàn bộ binh, cùng một số phân đội hỏa lực, các phân đội làm nhiệm vụ phân tán trên địa bàn rộng, tác chiến độc lập trên những vùng rừng núi hiểm trở, nên việc đảm bảo hậu cần rất khó khăn. Trong khi đó phía địch là những binh đoàn cơ động của lực lượng phái hữu Lào, Coong Le và Vàng Pao được Mỹ và Thái Lan chi viện mạnh.
Tuy vậy Trung đoàn 866 vẫn luôn trụ vững. Từ việc triển khai những trận đánh nhỏ lẻ cấp đại đội, tiểu đoàn lên đánh những trận tập trung cấp trung đoàn và trung đoàn tăng cường binh chủng hợp thành.
Đơn vị đã sử dụng hiệu quả các hình thức tác chiến bằng việc trinh sát kĩ lưỡng, tập kích, phục kích, tiến công địch trên cao điểm có công sự vững chắc, đánh theo kiểu đặc công, pháo kích, tiến công địch trong hành tiến. Kết hợp phòng thủ giữ điểm tựa, cụm chốt với xuất kích đánh tạt sườn, hoặc dùng hỏa lực đánh chặn địch từ xa.
Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến đơn vị đã tổ chức được những khu vực phòng thủ then chốt với đường hầm xuyên núi trên đỉnh Phu Tang, Phu Keng ở Xiengkhuang; sát cánh cùng các đơn vị bạn gồm các sư đoàn 335, 316, 312; các đơn vị phối thuộc Tăng thiết giáp, Pháo binh, Đặc công, Công binh và lực lượng của bạn từng bước đánh bại địch, kiên cường giữ vững trận địa, giúp bạn giải phóng hoàn toàn cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiengkhuang vào năm 1975.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 866 đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà nước Lào tặng huân chương Ít-xa-la Hạng nhất. Đại đội Đặc công 24 và chiến sĩ Vi Đức Cường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhân dân huyện Anh Sơn chào đón đoàn xe chở liệt sĩ hồi hương từ Lào. (Ảnh: Quốc Khánh) |
Nơi yên nghỉ gần 11.000 anh hùng liệt sĩ
Những người lính ngã xuống và nằm lại Nghĩa trang liệt sĩ Việt-Lào tại huyện Anh Sơn đây đều là những người lính đã từng sống và chiến đấu trên các chiến trường Lào.
Trong bạt ngàn khói hương nghi ngút và dòng người không ngớt đến dâng hương, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt-Lào cho biết, Nghĩa trang được xây dựng trên diện tích gần 7 ha, nơi đây yên nghỉ gần 11.000 anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, có quê quán từ 47 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có hơn 3.500 ngôi mộ xác định được tên, còn lại gần 7.000 ngôi mộ chưa xác định được tên.
Đại sứ Lào Sengphet Houngbounyuang, trong chuyến viếng thăm và dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào đã bày tỏ niềm xúc động: “Đến nơi đây tôi càng thấu hiểu thêm sự hi sinh vĩ đại của các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Các anh đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của đất nước Lào chúng tôi.
Tôi càng phải có trách nhiệm làm cầu nối để nhân dân Lào, nhất là cho thế hệ trẻ Lào luôn ghi nhớ công ơn mà các anh đã không tiếc cuộc đời mình để chúng ta có được ngày hôm nay”.
Đại sứ Lào Sengphet Houngbounyuang dâng hương tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt Lào. (Ảnh: Quốc Khánh) |
Đại sứ nhấn mạnh: “Thay mặt cho Đảng, chính phủ và nhân dân Lào sang nhận nhiệm vụ làm Đại sứ tại Việt Nam, tôi nguyện thường xuyên góp phần thúc đẩy mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam ngày càng bền vững.
Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng mãi mãi ghi ơn, sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ quân tình nguyện cùng những cựu chiến binh đã hi sinh xương máu vì Tổ quốc cũng như vì sự nghiệp cách mạng Lào” .
Những người đến nghĩa trang này mỗi người một tâm trạng, một cảm nhận khác nhau nhưng tất cả đều tự tâm muốn nói lên rằng, chúng tôi đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ để nguyện chung tay xây dựng và bảo vệ thành quả mà các anh đem lại.
Theo TGVN