Hiện nay giữa Lào và Việt Nam đang triển khai các cơ chế hợp tác về phòng chống tội phạm ma túy. Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 8 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) gồm Lao Bảo, La Lay, Cầu Treo, Quế Phong, Sơn La, Mộc Châu, Sông Mã, Điện Biên.
Nhìn chung, các cơ chế hợp tác về phòng chống ma túy giữa Việt Nam và Lào đã cơ bản đầy đủ, hoàn thiện từ Trung ương tới cơ sở. Hai bên đã tổ chức kịp thời cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất về thông tin tình hình tội phạm ma túy, tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy khu vực biên giới hai nước. Phối hợp xác minh, điều tra khám phá và triệt phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia; tạo cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các lực lược chức năng hai nước.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2019, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an các tỉnh có khu vực biên giới giáp Lào đã khởi tố 28.298 vụ án về ma túy, 36.451 bị can, thu giữ 2.263,96 kg ma túy tổng hợp và 2.950.581 viên ma túy tổng hợp và nhiều vật chứng khác. Trong đó đã khởi tố 426 vụ án vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp, có tổ chức, xuyên quốc gia, 2.142 bị can, thu giữ 2.282,139 kg ma túy tổng hợp và 2.836.425 viên ma túy tổng hợp. Số vụ án vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp, có tổ chức, xuyên quốc gia và số lượng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Đặc biệt là trong năm 2019, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các tỉnh có khu vực biên giới giáp Lào đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng trong các tổ chức tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp xuyên quốc gia, thu giữ hơn 2.000 kg ma túy tổng hợp và gần 3 triệu viên ma túy tổng hợp; các đối tượng hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, có sử dụng vũ khí nóng, rất manh động và liều lĩnh khi bị truy bắt.
Hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân sống khu vực biên giới hai nước. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các lực lượng chức năng để nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Theo báo cáo của C04, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã phối hợp với cơ quan thực hiện dự án UNODC và các đơn vị, địa phương tổ chức trên 42 khóa tập huấn, đào tạo về công tác hành pháp cho trên 900 lượt cán bộ là thành viên Văn phòng BLO trên tuyến biên giới thuộc lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng và Kiểm lâm. Nội dung tập huấn phong phú, từ cơ bản đến chuyên sâu.
Các hoạt động hợp tác quốc tế giữa hai bên được duy trì thường xuyên ở tất cả các cấp, góp phần quan trọng vào tăng cường xây dựng lòng tin, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa Lào và Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy; tạo tiền đề quan trọng để hai bên củng cố, duy trì quan hệ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế giữa hai bên trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, trong thời gian tới hai bên cần phát huy các cơ chế hợp tác hiện có, đưa hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực; tranh thủ tối đa các dịp giao ban, sơ kết, tổng kết để đánh giá thực chất hoạt động hợp tác, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác thực chất, khả thi. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an các tỉnh có khu vực biên giới giáp Lào cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong tổ chức quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp, có tổ chức, xuyên quốc gia nói riêng.
Thường xuyên quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở cả cấp Trung ương và địa phương các tỉnh có khu vực biên giới giáp Lào để họ nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; các cơ sở pháp lý trong triển khai quan hệ hợp tác quốc tế…
Theo Baodansinh