Với nhiều thành phần đặc biệt, món ăn được xem là “Quốc thực” của Lào hấp dẫn du khách bởi hương vị đặc trưng không nơi nào có được
Nhắc đến món ăn đặc biệt với thành phần là thịt tươi được thái nhỏ, hòa cùng gia vị đặc trưng làm dậy mùi vị đậm đà, tất cả kết hợp thành một món ăn “ cực phẩm” trong những dịp lễ, tiệc quan trọng tại Lào, nhiều người sẽ rộn rạo trong lòng khi nghĩ ngay đến Lạp, tinh túy ẩm thực của xứ sở Triệu Voi
Bản thân “ Lạp” đã có ý nghĩa là may mắn, không phải ngẫu nhiên mà người dân Lào rất coi trọng món ăn này và thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn chế biến, không chỉ là cái ngon, Lạp còn chứa đựng lời chúc tốt đẹp mà người nấu muốn gửi gắm đến bạn bè, những người khách được gia chủ tôn trọng. Nói như vậy không có nghĩa là Lạp không được ưa chuộng trong bữa ăn bình thường, đơn giản là hương vị đặc trưng và độ ngon của món ăn sẽ thể hiện hết cái “ tâm” của người chế biến ra nó.
Những món ăn nhiều nguyên liệu là đặc trưng của ẩm thực Lào, trên cơ sở nền văn hóa đậm bản sắc tín ngưỡng, mật độ lễ tiệc liên tục trải dài suốt năm. Mỗi bữa ăn từ đơn giản đến cầu kỳ đều là dịp gắn kết và nâng cao tình cảm bạn bè thân hữu hay với bà con, họ hàng. Mọi người chung tay chuẩn bị nguyên liệu, người sơ chế thịt, người làm rau, người nấu nướng… trong không khí ấm cúng với những câu chuyện đời thường. Đặc trưng của văn hóa nằm ở tất cả những thứ tưởng như bình thường và nhỏ bé ấy, qua thời gian lâu dài đã nuôi dưỡng và hình thành phong cách sống đặc trưng của người dân Lào, gắn bó, thân thiện, vô cùng gần gũi, không khách sáo nhưng vô cùng tinh tế
Quay trở lại với Lạp, được làm với thịt gà, bò, vịt hay lợn đều được. Nhưng Lạp để lại ấn tượng nhiều nhất đối với thực khách vẫn là Lạp bò. Thành phần đem lại hương vị đặc biệt cho Lạp bò mà không lẫn với bất kì món ăn nào chính là hỗn hợp “Phia và Bi”, thứ nước màu xanh kết hợp giữa phân non và mật bò có thể khiến nhiều người “ rùng mình”, nhưng trong quan niệm của người Lào, cũng khá tương đồng với đồng bào Tây Bắc ở Việt Nam ta, thứ dịch tiêu hóa là phần quan trọng và giá trị nhất khi đó là phần thức ăn đang được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể của bò.
Công thức cơ bản của món Lạp bò có thể tạm tóm tắt như sau. Đối với thành phần, thịt bò phải tươi và không dính mỡ, được thái kĩ thành miếng nhỏ như đầu đũa có thể để sống hoàn toàn hoặc xào hơi tái, sau đó đem các gia vị được chuẩn bị sẵn trộn đều bao gồm xách bò luộc chín thái nhỏ, một chút muối hoặc nước mắm. Đặc biệt là là không thể thiếu thứ mắm đặc trưng của Padek cùng hỗn hợp Phia để tạo vị đắng đặc trưng cho món ăn. Vị đắng hơi có mùi khó chịu sẽ quyết định chạm đến ngưỡng ngon của Lạp bò và thể hiện khẩu vị riêng của người đầu bếp.
Sau khi đợi hỗn hợp nguyên liệu ngấm đều vào nhau, một lượng lớn thính gạo ( gạo rang xay mịn) sẽ được trộn vào để làm dậy mùi và kích thích vị giác. Các loại rau thơm bao gồm hành, húng bạc hà, ớt tươi, ớt bột, hành tím, lá Khì hụt thái nhỏ, sẽ được trộn đều cung với thịt. Lạp bò sẽ được ăn cùng với xôi và một số loại rau sống khác như rau cải, đậu đũa, bắp cải, lá me rừng… tùy thích.
Ngoài ra, một biến thể khác của Lạp bò cũng rất được ưa chuộng với tên gọi Zin Ping Nam Tok, thịt bò được thái miếng vừa ăn trước và nướng sơ qua, tương tự như món Steak của phương tây. Nam tok nghĩa là thác nước, hình ảnh so sánh sinh động của nước thịt chảy ra khi đạt đến độ chín vừa phải.
Giữa vô vàn món ăn trong văn hóa ẩm thực Lào, Lạp tuy có thành phần khá kì lạ nhưng lại có sức hút kì lạ với hương vị độc đáo, Lạp còn chứa đựng cả quan niệm văn hóa tinh tế của người Lào ẩn sau vẻ ngoài đơn giản, mộc mạc và vô cùng dân dã.