Báo chí thế giới trong thời gian vừa qua có một số bài viết bày tỏ lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam – nhân tố đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu.
Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% bất chấp đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Ban lãnh đạo mới định hình kinh tế Việt Nam
Tờ Nikkei Asia ngày 4.5 có bài viết mang tựa đề “Chương trình nghị sự kinh tế đang định hình dưới sự lãnh đạo mới của Việt Nam”. Tờ báo cho biết, những kế hoạch kinh tế và cách thức thực hiện của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ định hình hiệu quả kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới mà còn cả triển vọng chính trị của Việt Nam.
Tờ báo viết, với tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể giữ cho nền kinh tế trụ vững trước COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài có nghĩa là tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục bị hạn chế. Hơn nữa, với mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, chính phủ sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong cuộc họp chính phủ đầu tiên vào ngày 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một số chỉ dẫn quan trọng cho thấy những ưu tiên kinh tế ngắn hạn của ông. Thủ tướng muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 và xem xét việc áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine. Bên cạnh đó, Thủ tướng có kế hoạch tăng tốc chi tiêu công cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn để kích thích tăng trưởng và cải thiện kết nối. Dự án đường cao tốc Bắc Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu, cũng như sẽ có nhiều cảng biển và sân bay. Theo tờ báo, chính phủ có nhiều dư địa để tăng chi tiêu công, với nợ công của Việt Nam hiện đã giảm xuống còn 55,8% GDP.
Cũng theo Nikkei, có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam ưu tiên các trung tâm kinh tế tích hợp vào các trung tâm đô thị hiện có. Chẳng hạn, chính phủ đã ủy quyền nghiên cứu thành lập các trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các trung tâm này sẽ không cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn như Hồng Kông hay Singapore, mà thay vào đó tập trung vào một số lĩnh vực thích hợp như fintech. Đề xuất thành lập trung tâm tài chính Đà Nẵng do Tập đoàn Imex Pan Pacific đứng đầu cũng được cho là bao gồm một loạt các dịch vụ liên quan, bao gồm khu miễn thuế, khách sạn nghỉ dưỡng và khu phức hợp giải trí casino.
Ngoài ra, đã có những đề xuất về các khu kinh tế lớn. Ví dụ, một khu kinh tế rộng 32.000ha ở tỉnh Long An đang được đề xuất, nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực thông qua phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Các khu vực tương tự có thể được đề xuất ở những nơi khác, chẳng hạn như ở tỉnh Tây Ninh, trong vài năm tới.
Tờ Nikkei nhận định, với các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Việt Nam, các sáng kiến kinh tế này có thể đạt được động lực mới. Ý tưởng của chính phủ Việt Nam là tạo ra các trung tâm tăng trưởng mới được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế và cải cách hành chính, ngoài các ưu đãi về thuế hoặc đất đai để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia hướng tới tăng trưởng bền vững và dựa trên đổi mới. Mục tiêu là giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
“Trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một vị trí tốt hơn nhiều để đưa kế hoạch của mình thành hiện thực. Nếu vậy, thói quen lên kế hoạch bài bản của ông sẽ một lần nữa được đền đáp” – bài viết trên tờ Nikkei nhấn mạnh
Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam – nhân tố đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu
Tờ The Economic Times của Ấn Độ trong bài báo hồi tháng 4 nhấn mạnh, dưới sự dẫn dắt của ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu phát triển trong tương lai. Tác giả bài báo tin tưởng, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ không những tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế đất nước mà còn mở rộng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu.
Bài viết dẫn lời Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma ghi nhận sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đã trở thành một nhân tố đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu. Theo đánh giá của tác giả bài viết, Đại hội XIII đã thành công tốt đẹp. Giờ là thời điểm các nhà lãnh đạo mới thể hiện vai trò trong điều hành kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong những năm tới. Dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, dư luận có thể lạc quan về tương lai của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đột phá chiến lược, đưa ra nhiều giải pháp để vượt qua thách thức, trong đó có đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho gần 8 triệu lao động và đặt con người vào vị trí trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Theo đánh giá của UNDP, Việt Nam đã viết nên một “câu chuyện huyền thoại” về giảm nghèo, với chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức 0,63 trong năm 2019, đứng thứ 118 trong tổng số 189 nước xếp hạng cao nhất về tốc độ tăng trưởng HDI.
Cũng trong năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách các nền kinh tế hấp dẫn đầu tư nhất, tăng 15 bậc so với năm trước đó. Báo cáo phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2020 ghi nhận Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á hoàn thành 5 mục tiêu hành động của Liên Hợp Quốc. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị đại dịch COVID-19 làm chao đảo, Việt Nam đã nổi lên như một “điểm sáng” đáng chú ý và đáng tự hào.
Theo Laodong