Rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có số vốn đăng ký lên đến hàng tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam thời gian gần đây. Điều đó chứng tỏ, lĩnh vực năng lượng đang có sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư ngoại.
Liên tục các dự án “tỷ đô”
Vào tháng 3/2021, UBND tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy điện LNG Long An I & II cho Công ty Vinacapital GS Energy Pte. Ltd thực hiện đầu tư tại Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á thuộc Dự án Cảng quốc tế Long An. Dự án có vốn đầu tư ước tính hơn 3 tỷ USD, dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12/2025 với công suất 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy là 1.500 MW.
Nghị quyết 55-NQ/TW khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài có dự án chất lượng tham gia vào lĩnh vực năng lượng |
Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, Dự án nhiệt điện Ô Môn II, công suất thiết kế 1.050 MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, của liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ), dự kiến vận hành năm 2026 nhằm đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho TP. Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, năm 2020, Tập đoàn Milennium Energy – một trong những nhà đầu tư có 35 năm kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện tiên tiến từ khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng, gió, mặt trời, địa nhiệt và chất thải… đang thực hiện nhiều dự án ở Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW, trong đó, giai đoạn 1 là 2.400 MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, với quy mô vốn lên tới 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án có hệ thống kho cảng công suất 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Phía tập đoàn dự kiến đưa giai đoạn 1 của nhà máy phát điện vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau năm 2030.
Đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía tập đoàn cam kết sẽ tự cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, do duy nhất tập đoàn đầu tư và 1 tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn. Được biết, sau Thanh Hóa, lãnh đạo Tập đoàn Milennium Energy còn tiếp tục đến một số địa phương tại Việt Nam khảo sát để triển khai các dự án liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
“Đòn bẩy” từ chính sách
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lĩnh vực năng lượng của Việt Nam thời gian gần đây nhận được sự quan tâm “đặc biệt” của nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh những năm qua thì còn do những tác động tích cực từ Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể là, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỉ KWh…
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học – công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Đặc biệt, Nghị quyết 55-NQ/TW cũng đưa ra những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả vào ngành năng lượng… đây là những điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Theo Congthuong