Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua của Việt Nam là rất đáng mừng, song “cuộc chiến còn tiếp diễn”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu như trên, tại hội nghị cán bộ toàn quốc bàn giải pháp phòng, chống Covid-19, phát triển kinh tế – xã hội và một số nội dung quan trọng khác, ngày 23/4.
Ông nêu rõ chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm; chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
“Nếu khách du lịch không vào là thất thu, doanh nghiệp không làm ăn, đầu tư được. Chống dịch mà không cẩn thận sẽ quên nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, từ đó có thể phát sinh vấn đề xã hội”, ông nói và đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá quy mô, tính chất, tính nguy hại của đại dịch; kết quả đạt được và hạn chế; dự báo tình hình sắp tới, phướng hướng biện pháp.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Covid-19 là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập tổ chức này, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của loài người, dự báo hệ lụy nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009…
Trước bối cảnh trên, Tổng bí thư cho rằng “trong cuộc chiến chống đại dịch, không nên quá hốt hoảng đến mức không dám làm gì, nhưng tuyệt đối không được chủ quan”.
Ông nói cần phân tích làm rõ ưu điểm, hạn chế, dự báo tình hình không để bị động bất ngờ và “quan trọng nhất là đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, làm sao lan tỏa tinh thần này tới các ngành, các cấp, các địa phương”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Các ý kiến thảo luận đồng tình cao với việc triển khai kịp thời những giải pháp vừa qua. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, từ đó có những bước đi phù hợp, nới lỏng từng phần cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, nếu không xử lý tốt việc này, người dân sẽ khó khăn.
Hội nghị nhất trí cao việc Bộ Chính trị ra nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan không chỉ nhằm ứng phó trong giai đoạn trước mắt, mà cần tính đến lâu dài trên cơ sở dự báo tình hình sắp tới, đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng; cả nước ghi nhận 268 ca mắc, trong đó 223 người đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp tử vong.
Về chuẩn bị nhân sự đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập 4 nội dung là vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; yêu cầu đặt ra; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của Trung ương cũng như các đại biểu tham dự hội nghị.
“Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ, trách nhiệm của Trung ương là phải làm việc này cho tốt”, ông nói.
Theo ông, trong công tác nhân sự cần xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, “cơ cấu đẹp nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng”.
Từng khâu, từng công đoạn của việc chuẩn bị nhân sự phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, “làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”…
Các tổ chức, cá nhân giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban nhân sự và các cấp có thẩm quyền về nhân sự do mình đề xuất, “chứ không phải vì thích ai, thân quen ai mà giới thiệu”.
Đề cập đến nguyên tắc “tập thể lãnh đạo”, “lãnh tụ tập thể”, Tổng bí thư nhấn mạnh “chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau”. Mỗi người tự hoàn thiện mình, tự phát huy những mặt tốt, khắc phục mặt yếu để khi cá nhân đứng trong tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện, vững mạnh hơn. “Tránh tình trạng cua cậy càng, cá cậy vây, tự cao, tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt, chỉ cho mình là nhất thì không được”, ông nói.
Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào quý I/2021.
Theo VnExpress