Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, Trưởng SOM ASEAN Lào, đã đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đã chúc mừng Việt Nam không chỉ tổ chức thành công mọi sự kiện theo mục tiêu đề ra, mà còn hoàn thành việc trao đổi, thảo luận các tài liệu theo kế hoạch trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp cả khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, các ưu tiên mà nước Chủ tịch ASEAN đề ra đều đạt tiến triển tốt.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet.
Về hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan, Thứ trưởng Thongphane Savanphet đánh giá công tác tổ chức đã được thực hiện rất tốt. Mặc dù hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng việc trao đổi, đóng góp ý kiến thẳng thắn vẫn diễn ra giống như các hội nghị trực tiếp. Về nội dung, các cuộc họp, bao gồm cuộc họp của các bộ trưởng về vai trò phụ nữ; vai trò của khu vực… đều đã được tổ chức như các cuộc họp trực tiếp.
Ngoài ra, AMM 53 cũng xem xét, đánh giá việc tổ chức triển khai các công việc của ASEAN như đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch triển khai 3 trụ cột của ASEAN, Tầm nhìn ASEAN; đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN… Các công tác đều đang tiến triển tốt, bao gồm cả kế hoạch xây dựng tầm nhìn sau năm 2025.
ASEAN cũng thông qua các ý tưởng mới, là nền tảng quan trọng cho hợp tác tương lai, trong đó một trong những nội dung quan trọng nhất đó là ASEAN và các nước đối tác đã nhất trí và cam kết hợp tác trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Các bên đã cam kết sẽ trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong nghiên cứu sản xuất vaccine… Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19 và thông qua tài liệu khái niệm về khung kế hoạch hợp tác nhằm khôi phục toàn diện nền kinh tế tại khu vực ASEAN.
Tại các hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua nhiều văn bản quan trọng, là nền tảng cho sự hợp tác như tài liệu về xây dựng khung tổ chức thực hiện việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 hoặc tài liệu về thành lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực. Văn kiện quan trọng nhất là Thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, trong đó nêu rõ chi tiết phương hướng hợp tác trong thời gian tới, năm tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, tại các hội nghị lần này, ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quan hệ hợp tác với các nước bên ngoài, lên chương trình, đưa ra các ưu tiên trong trao đổi thảo luận và hợp tác với các nước ngoài khu vực. Hợp tác với các đối tác phát triển và đối tác đối thoại của ASEAN trong thực hiện kế hoạch 5 năm qua đã có tiến triển tốt. Các bên cũng thảo luận về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025 và đã thông qua các kế hoạch hợp tác 5 năm này với nhiều đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và nhiều nước khác. Đây là những văn kiện nền tảng cho hợp tác của ASEAN với các nước trong 5 năm tới.
Ngày càng có nhiều nước bên ngoài khu vực quan tâm tới việc hợp tác với ASEAN, đặc biệt có nhiều nước như Anh muốn trở thành đối tác đối thoại với ASEAN, nhiều nước khác cũng muốn trở thành đối tác phát triển với ASEAN. Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã nhất trí để Pháp và Italy trở thành đối tác phát triển của ASEAN. Ngoài ra, số lượng đại sứ các nước bên ngoài ở Jakarta (Indonesia), nơi đặt trụ sở Ban Thư ký ASEAN, đến trình thư trở thành đại sứ thường trực tại ASEAN ngày càng tăng, theo số liệu hiện là 93 nước. Điều này thể hiện rõ nét vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên cạnh vấn đề hợp tác, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng trao đổi với các đối tác bên ngoài về vấn đề an ninh, hòa bình, đặc biệt là an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh phi truyền thống tập trung vào sự hợp tác trong công tác phòng chống ma túy, buôn người và an ninh mạng… Ngoài ra, các bên cũng đã trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông, Trung Đông…
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại đều tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển tại khu vực ASEAN cũng như ở Biển Đông, đặc biệt các bên đều nhấn mạnh rằng mọi hành động, mọi tranh chấp đều phải được thảo luận và giải quyết thông qua biện pháp hòa bình. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng thảo luận về cách thức triển khai nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiếp tục trao đổi về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm thế nào để sớm thông qua văn bản này; thảo luận về mục tiêu tiếp tục bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Theo trưởng SOM Lào, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn công tác đàm phán COC năm 2020. Tuần vừa qua, lãnh đạo các tổ chuyên viên phụ trách việc đàm phán COC đã gặp gỡ và trao đổi và đây có thể coi là tiến triển đầu tiên vì cả ASEAN và Trung Quốc đều đã nhất trí trong thời gian tới sẽ xem xét tổ chức đàm phán COC theo hình thức trực tuyến nếu dịch COVID-19 vẫn kéo dài. Cả ASEAN và Trung Quốc đều cam kết sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả.
Theo TTXVN