Chính phủ Lào tự tin về sự phục hồi của nền kinh tế đất nước, dự kiến đạt mức tăng trưởng 4-4.5% trong năm 2021, bất chấp tình hình thế giới biến động cũng như khó khăn tài chính nội tại.
Để giảm bớt căng thẳng ngân sách quốc gia, Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hiện đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đang chiếm hơn 50% tổng đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua.
Không chỉ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ Lào sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng-vận hành-sản xuất thương mại. Đây là một trong các ưu tiên hàng đầu của Lào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.
“Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho việc tăng tốc các dự án hạ tầng quan trọng với nền kinh tế”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone nói với Quốc hội Lào mới đây, cho biết dự án đường sắt Lào-Trung Quốc hiện đạt trên 90% tiến độ, trong khi cao tốc Vientiane-Vang Vieng. Ngoài ra, các dự án lớn còn bao gồm khu công nghiệp, cản cạn, thủy điện, khai khoáng, đều được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Lào.
Tăng trưởng kinh tế Lào 2016-2020 đạt bình quân 5.8%, thấp hơn mục tiêu 7.2% do Quốc hội nước này giao.
Chính phủ Lào dự báo tăng trưởng năm 2020 đạt 3.3%, bình quân GDP đầu người 2.664 USD, thấp hơn mục tiêu 2.978 USD.
Số liệu dự báo tăng trưởng thấp xuất phát từ ảnh hưởng quy mô toàn cầu của đại dịch Covid-19 cùng lũ lụt diện rộng đã làm gia tăng áp lực tài chính và nợ công.
“Nhịp độ tăng trưởng hàng năm có xu hướng giảm và chất lượng tăng trưởng kinh tế không cao”, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone thừa nhận kinh tế Lào vẫn đang được thúc đẩy từ lĩnh vực khai thác tài nguyên.
Những nỗ lực cải cách và xử lý thâm hụt, nợ công của Lào hiện được cho là chưa đủ hiệu quả. Các nút thắt đầu tư vẫn đang tồn tại và chưa thể thay thế khó khăn bằng “thảm đỏ” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu 5 năm tiếp theo, Chính phủ Lào sẽ theo đuổi việc phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên phù hợp và hiệu quả, tăng cường sản xuất thương mại và công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, Lào cũng sẽ triển khai hệ thống điện tử để thu ngân sách, kiểm soát tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát, đảm bảo dự trữ ngoại hối đủ nhập khẩu 3 tháng, rà soát lại các chính sách về quyền đất đai và bất động sản.
Tổng hợp