Lào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Từ năm 2010 đến 2018, Lào có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về xuất khẩu cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Việt Nam. Điều này càng đáng chú ý vì đây là quốc gia lục địa (không có biển) duy nhất tại Đông Nam Á: khoảng 80% thương mại thế giới là qua đường biển; thương mại của các quốc gia nội địa chậm hơn nhiều (từ 9%-130%) và đắt hơn nhiều (từ 8% – 250%).
Lào đã chủ động thiết lập các mạng lưới kinh tế-thương mại bằng cách tham gia các thỏa thuận hội nhập khu vực và tự do thương mại. Điều này gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế và khu vực rằng Lào mở cửa về kinh tế và chính trị và cam kết với cải cách trong nước. Năm 1991, Lào ký Hiệp định thương mại khu vực với Thái Lan và trở thành thành viên của Khu vực tự do thương mại ASEAN sau khi gia nhập tổ chức này năm 1997. Là thành viên ASEAN, Lào tham gia hàng loạt hiệp định thương mại khu vực với các thành viên là Trung Quốc (2007), Nhật Bản (2008), Hàn Quốc (2008), Úc, New Zealand và Ấn Độ (2011). Đồng thời, Lào chủ động tham gia Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (APTA) với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Sri Lanka năm 1975.
Lào đã khai thác thành công tiềm năng thương mại của các hiệp định này. Năm 2018, 05 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ. Tăng trưởng xuất khẩu theo CAGR 8 năm sang Thái Lan tăng 13%, sang Trung Quốc tăng 27% và sang Việt Nam tăng 28%. Đây cũng là các quốc gia quá cảnh lớn nhất của Lào. Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn gần gũi về địa lý trong khuôn khổ các thỏa thuận thương mại hay hội nhập khu vực đương nhiên là điều đáng chú ý song không phải quá ngạc nhiên.
Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường xa xôi đáng quan tâm hơn nhiều. Tăng trưởng xuất khẩu CAGR sang Nhật đạt 16%, sang Ấn Độ đạt 156%. Dù các nước này chỉ chiếm chưa đến 5% kim ngạch xuất khẩu của Lào năm 2018, nhưng thành công của việc tăng trưởng xuất khẩu tới các thị trường ngoài các nước láng giềng trực tiếp trong bối cảnh là quốc gia nội địa là điều hiếm có.
Lào đã tận dụng tốt các cơ hội để tăng trưởng thương mại và đa dạng hóa thương mại trong một môi trường thương mại ngày càng hiệu quả. 5 trong 8 hiệp định thương mại của Lào bao gồm cả thương mại hàng hóa và dịch vụ. Lào cũng đang trong quá trình thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO. Lào đã áp dụng công nghệ trong thuận lợi hóa thương mại. Để nâng cao hiệu suất của hải quan, Lào đã thiết lập Hệ thống tự động cho dữ liệu hải quan tại 24 cửa khẩu. Đây là cơ chế tiết kiệm chi phí và thời gian quan trọng đối với lưu chuyển hàng hóa qua biên giới nói chung, song là điều then chốt xét đến tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong thương mại quốc tế của Lào.
Lào đã lập các kênh đầu tư vào nâng cấp hạ tầng và năng lực sản xuất. Khu vực sản xuất của Lào tăng trưởng CAGR 8 năm đạt 7%, khu vực dịch vụ đạt 12% CAGR 2010-2018. Lào đang tham gia vào Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc với dự án đường sắt Lào – Trung, sẽ giúp tăng cường mạng lưới xuất nhập khẩu vốn đã mạnh của Lào với các đối tác lớn và quan trọng nhất là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Các dự án hạ tầng quan trọng khác trong đó có cao tốc Viêng Chăn – Boten sẽ khiến di sản thế giới Luang Prabang trở nên dễ tiếp cận hơn đối với du khách. Việc nâng cấp các kết nối hạ tầng cùng với việc tăng cường năng lực sản xuất sẽ đặt Lào vào vị trí mạnh mẽ để mở rộng hơn nữa sự hội nhập kinh tế trong khu vực rộng lớn hơn. Lào cũng đã thành công trong đa dạng hóa nền kinh tế dựa vào tài nguyên. Chỉ số công nghiệp cạnh tranh (CIP) của Lào tăng 4% CAGR 8 năm, đã bác bỏ cái gọi là “lời nguyền tài nguyên”: quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và không có khả năng mở rộng khu vực kinh tế giá trị gia tăng.
Lào vẫn còn cơ hội để tăng trưởng hơn nữa, bao gồm việc tăng cường thu hút FDI. Đưa vào thực tế các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sở hữu trí tuệ là điều thiết yếu để thu hút FDI và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Các chính sách cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các sáng kiến của doanh nghiệp để thiết lập doanh nghiệp số. Điều này đòi hỏi phải có các quy định phù hợp và hạ tầng vật chất để nâng cao tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và internet. Lào cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các đối tác thương mại và đa dạng hóa nền kinh tế. Các cơ hội này cần được nhìn nhận trên cơ sở các kết quả tích cực mà Lào đã đạt được. Dù là một quốc gia lục địa, Lào đạt tăng trưởng xuất khẩu CAGR 8 năm ở mức 15%, GDP 12% và GNI đầu người 10%. Có thể trông đợi Lào sẽ vượt qua các thách thức tăng trưởng tương lai. Đây là một ví dụ lớn về việc “một cỗ máy nhỏ có thể làm gì”.
ĐSQVN tại Lào (Eastasiaforum.org)