Ngày 17-18/9 tại thủ đô Vientiane, phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ Lào diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, đã xem xét và thông qua nhiều kế hoạch quan trọng của đất nước.
Đáng chú ý, chính phủ Lào đã chấp thuận về nguyên tắc và thống nhất thông qua Đề án quy hoạch tổng thể Kinh tế số quốc gia giai đoạn 5 năm (2021-2025).
Cụ thể, chính phủ Lào sẽ coi nền kinh tế kỹ thuật số – một hình thái kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là công cụ trong việc điều hướng phát triển mọi lĩnh vực nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của cả khu vực công cũng như tư nhân một cách nhanh chóng, minh bạch và an toàn, từ đó tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ… và mở rộng cơ hội kinh doanh, thúc đẩy nâng cao đời sống người dân.
Chính phủ Lào nhìn nhận nền kinh tế số là xu hướng tất yếu và khách quan, cần phải thích ứng theo thời đại để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Theo đó, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của Lào sẽ dựa trên cơ sở hai thành tố chính, bao gồm tăng cường sức mạnh công nghiệp ICT của Lào nhằm gia tăng đóng góp vào cơ cấu kinh tế của đất nước. Đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, thương mại, du lịch và các ngành công nghiệp… ứng dụng CNTT để tăng tính hiệu quả, sức cạnh tranh và thúc đẩy các giá trị gia tăng.
Xác định phương hướng phát triển kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm hỗ trợ tăng trưởng và kích thích các bước nhảy vọt của CHDCND Lào.
Xác định các nguyên tắc cơ bản và trụ cột, các nhu cầu cốt lõi của Lào để vận động số hóa nền kinh tế, đồng thời xác định ranh giới, tiềm năng mà Lào có thể khai thác và tranh thủ cơ hội nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập và đón đầu các xu hướng mới trong khu vực và trên thế giới.
Sau khi thông qua, chính phủ Lào giao Bộ Bưu chính, Viễn thông và Truyền thông là cơ quan trung tâm trong việc phối hợp, tham vấn ý kiến đóng góp của các bên nhằm củng cố cơ cấu, kiện toàn nội dung Đề án 5 năm, xây dựng chiến lược 10 năm và tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số quốc gia. Đồng thời, thực hiện kiểm tra các cơ sở pháp lý sẵn có, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp cũng như xây dựng các bộ quy tắc, quy định mới nhằm tạo cơ sở thực thi hiệu quả đề án nói trên.
Lần đầu tiên Lào có Hệ thống Chính phủ điện tử đạt 2 giải thưởng quốc tế