Chính phủ Lào đang xem xét biện pháp thích hợp nhất để đưa vào chương trình hỗ trợ người lao động nước này mất việc làm do tác động của dịch Covid-19.
Trước đó, Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã có đề xuất liên quan đến vấn đề trợ cấp lao động thất nghiệp và được Chính phủ yêu cầu điều chỉnh và hoàn thiện các biện pháp này trước khi chính thức được phê duyệt. Trong đó dự kiến sẽ chú trọng vào nhóm lao động thất nghiệp nhưng nằm trong hệ thống an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Lào, Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia (NIER) cũng đã kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh các biện pháp khả thi để hỗ trợ người thất nghiệp, nhấn mạnh sự can thiệp của nhà nước là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh lệnh cách ly xã hội nghiêm ngặt khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, mất nguồn thu nhập cho người lao động.
Theo NIER, lao động nằm trong hệ thống an sinh xã hội cần được ưu tiên trợ cấp, tiếp đó là nhóm các lao động tự do, bao gồm khoảng 100.000 người trở về từ Thái Lan. Chính phủ cũng được khuyến nghị mở rộng quỹ an sinh xã hội đang còn ở quy mô nhỏ nhằm đảm bảo các khoản trợ cấp cho người lao đông.
Trước mắt, chính phủ Lào được đề nghị khuyến khích người lao động thất nghiệp trong giai đoạn này chủ động tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cơ bản vì Lào là đất nước có truyền thống nông nghiệp, phần lớn dân số tham gia trong lĩnh vực này. Trước đó, vào đầu tháng 3 khi dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện, Thủ tướng Lào cũng đã kêu gọi toàn dân tích cực sản xuất để đảm bảo nguồn cung lương thực trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài kêu gọi sự hỗ trợ của nhà nước, các thành phần liên quan kêu gọi chủ các khu trọ, nhà cho thuê giảm giá hoặc giãn thời hạn thu phí đối với lao động phổ thông, được xem là một biện pháp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Trước đó, các đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ lao động mà Bộ Lao động đưa ra gồm có cung cấp khoản tiền mặt trị giá 100.000 Kip/người trong giai đoạn 3 tháng, chính sách này tương đương với những gì mà các nạn nhân thảm họa lũ lụt tại Sanamxay, tỉnh Attapeu hồi năm 2018 nhận được. Trong khi lao động nằm trong hệ thống an sinh xã hội của Lào được đề xuất mức hỗ trợ 500.000 Kip/tháng trong tháng 5 và tháng 6 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Lào đã chỉ đạo nghiên cứu và điều chỉnh lại đề xuất này trước khi được phê duyệt.
Một số các khuyến nghị khác được đưa ra là chính phủ Lào nên củng cố sự vững chắc của hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo quyền lợi người lao động trước các khủng hoảng. Đồng thời, nhà nước nên có chính sách đào tạo tay nghề liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp thiết yếu để đáp ứng nhu cầu việc làm trong bối cảnh lao động Lào có tay nghề thấp, thậm chí không có kỹ năng.
Vấn đề lao động là một trong những khó khăn lớn của chính phủ Lào trong nhiều năm qua. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội nước này từng cho biết Lào phải cho phép nhập khẩu lao động nước ngoài để phục vụ các dự án lớn vì lao động trong nước không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết. Chính phủ Lào đang nỗ lực thúc đẩy phát triển lực lượng lao động lành nghề để đón đầu dòng đầu tư và tốc độ phát triển trong những năm tới.
Theo số liệu, cả nước Lào có khoảng 269.000 lao động trẻ và 1.185.000 lao động trưởng thành nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội, trong đó có 869.000 người ở các khu vực nông thôn và 584.000 người ở vùng đô thị. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2019 có 213.477 lao động Lào được xác nhận làm việc hợp pháp ở Thái Lan.
Tổng hợp