Tuyến QL217 được manh nha xây dựng từ năm 1955 và đây chính là con đường Hòa Bình – Hữu Nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào.
Bám rừng xanh mở đường hữu nghị
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông có vị trí chiến lược quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ, quân và dân Thanh Hóa đã tiếp vận, chi viện cho nhiều mặt trận, mở đường cho xe đưa bộ đội vào chiến trường. Nhiều tuyến đường, công trình vượt sông ra đời đảm bảo giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, mở đường lên phía tây nối Thanh Hóa với các tỉnh bạn và nước Lào anh em.
Theo tài liệu ghi chép còn lưu lại tại Sở GTVT Thanh Hóa, tháng 10/1955, ngành GTVT có chủ trương mở tuyến đường 217 Thanh Hóa – Na Mèo (bây giờ gọi là cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) để phục vụ cho việc xây dựng phát triển kinh tế miền núi, giao lưu vùng rẻo cao với miền xuôi, phục vụ quốc phòng và làm nhiệm vụ quốc tế đối với nước Lào.
Quá trình triển khai khảo sát tuyến đường này cực kỳ gian khổ vì địa hình rất phức tạp. Tuyến đường đi vào giữa khu rừng đại ngàn miền tây Thanh Hóa, dân cư thưa thớt, việc khảo sát phải qua nhiều núi cao, vách đá cheo leo, suối sâu, rừng rậm rất khó qua.
“Trong khi khảo sát, đồng chí Cầu – cán bộ Nha Giao thông (Tổ chức Bộ GTVT lúc này có: Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Nha Giao thông, Ngành vận tải thủy, Sở vận tải, Ty công chính phi trường) vào thăm tuyến thấy khó khăn quá nên Nha Giao thông cử thêm một số cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm khảo sát vào phối hợp với đoàn khảo sát của Thanh Hóa đi đi, lại lại nhiều lần mới chọn được tuyến.
Khi khảo sát xong, đồng chí Cầu vào duyệt lại lần cuối cùng mới chính thức quyết định tuyến và cùng nhau thống nhất đặt tên tuyến đường này là đường 217 vì ngày 21/7/1954 là ngày đầu tiên hòa bình lập lại ở Đông Dương. Ta làm con đường này là con đường Hòa Bình – Hữu Nghị giữa 2 dân tộc Việt – Lào”, tài liệu ghi rõ.
Kể về việc thi công tuyến đường này, lãnh đạo Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Ngày 3/10/1955, Ủy ban hành chính Thanh Hóa mở Hội nghị bàn kế hoạch triển khai công trường, có đồng chí Huỳnh Văn Giao – cán bộ Nha Gia thông, đồng chí Trần Xuân Biền – Giám đốc Khu giao thông khu 4 cùng tham dự và quyết định thời gian thi công là 5 tháng với yêu cầu phải sử dụng 1.894.000 công, nếu tính cả công vận chuyển đi về, làm kho lán phải cần đến 2.396.000 công. Kinh phí đầu tư 1.160.150.000 đồng quy ra gạo bằng 6.000 tấn và lương thực cho công trường là 1.900 tấn. Tuyến đường được khởi công vào ngày 1/12/1955.
Bắt tay vào thi công, công trường gặp vô vàn khó khăn về địa hình, thời tiết, về khí hậu của núi rừng. Cơ sở vật chất thiếu thốn, lương thực, thực phẩm cung ứng không kịp thời, cán bộ và hàng vạn dân công phải ăn rau rừng trong những bữa ăn hàng ngày, tối đến phải đốt hun muỗi trong lán trại. Nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, với lòng dũng cảm, sức sáng tạo cả cá nhân cùng tập thể nên chỉ sau 3 tháng thi công, tuyến đường dài 91,3 km được thông tuyến nối liền giữa nước ta với nước bạn Lào.
Ông Nguyễn Văn Khiên – Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng: Việc khai thông tuyến đường QL217 này là dấu mốc rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế miền núi, nhất là đối với đồng bào vùng rẻo cao, vùng biên giới Việt – Lào, phục vụ quốc phòng và an ninh bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc.
Xóa nỗi ám ảnh cung đường chết
Đầu năm 2016, Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án nâng cấp QL217 đoạn từ huyện Quan Sơn đến huyện Cẩm Thủy với chiều dài 94,7km (tổng mức đầu tư 1.899 tỷ đồng) bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đến đầu năm 2018, Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long triển khai nâng cấp 47km thuộc giai đoạn 2 của dự án đầu tư nâng cấp QL217 qua địa bàn 3 huyện: Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 6/2020, Bộ GTVT tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 bao gồm phần tuyến chính dài 44,6km và phần nút giao vượt đường sắt Bắc – Nam và QL1A dài 2,4km. Mục tiêu của dự án là nâng cấp từ đường cấp V miền núi lên đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường 6m, gia cố lề 2m, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 60 – 80km/h.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 1.673 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay là 1.521 tỷ đồng (tương đương 71,14 triệu USD), phần còn lại là nguồn vốn đối ứng 152,3 tỷ đồng.
Việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường đã góp phần xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về “cung đường chết”, bởi trên tuyến này trước kia sau nhiều năm khai thác rất nhiều ổ voi, khúc cua tay áo chênh vênh một bên vách núi, một bên là vực sâu. Không những thế, tuyến đường tạo đà thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt – Lào và người dân trong khu vực.
Từng trả lời với Báo Giao thông, ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, QL217 là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, QL217 còn đóng vai trò kết nối thông thương giữa Khu kinh tế biển Nghi Sơn, trung tâm TP Thanh Hóa với Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và tỉnh Hủa Phăn (Lào).
“Tuyến QL217 kết nối với đường vành đai tuần tra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào thuộc khu vực các xã giáp biên giới trên địa bàn huyện Quan Sơn. Cuộc sống mưu sinh của đồng bào được đảm bảo sẽ tạo thuận lợi cho quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới.
Việc hoàn thành nâng cấp QL217 không chỉ là ước nguyện của bà con mà còn là niềm mong mỏi của biết bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua nhiều thời kỳ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc đầu tư nâng cấp dự án QL217 để đưa tuyến đường vào khai thác thông suốt, an toàn, đáp ứng tính cấp thiết trước mắt và lâu dài”, ông Diến chia sẻ.
Đánh giá về tầm quan trọng của tuyến đường này, ông Nguyễn Văn Khiên – Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Toàn tuyến QL217 dài 196km, đây là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của tỉnh Thanh Hóa nối từ Đò Lèn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa với cửa khẩu Quốc tế Na Mèo giữa Việt Nam và Lào. Tuyến đi qua các trung tâm kinh tế, văn hóa của các huyện phía Bắc và phía Tây của tỉnh đó là thị trấn Vĩnh Lộc, thị trấn Cẩm Thủy, trị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước), thị trấn Quan Sơn và điểm cuối là cửa khẩu Na Mèo (biên giới Việt – Lào).
Tuyến giao cắt với các trục giao thông quan trọng như: QL1A, QL45, đường Hồ Chí Minh, QL15A, QL16. Tuyến đường nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013. Đây là tuyến đường kết nối Đông Bắc Lào và Bắc Việt Nan thông qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo; nằm trong hệ thống giao thông kết nối xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tiểu vùng Mê Kông.
Theo BGT