Dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục đè nặng lên tình trạng nợ của chính phủ Lào.
Từ nội dung báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới tại Vientiane công bố hôm 20/5, tăng trưởng kinh tế của Lào dự kiến sẽ giảm trong năm 2020 đến từ việc bùng phát toàn cầu của Covid-19 khiến Chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
Theo đó, WB dự báo mức độ tăng trưởng ở trường hợp cơ bản là 1% và có thể tụt xuống -1.8% trong trường hợp xấu. Suy thoái kinh tế đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ, theo báo cáo giám sát kinh tế mới nhất có tựa đề “CHDCND Lào trong giai đoạn Covid-19.
Tác động của sự bùng phát toàn cầu của Covid-19 dự kiến sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách vào năm 2020 lên khoảng 7,5-8,8% GDP so với 5,1% vào năm 2019. Việc này kéo theo tình trạng nợ của Lào tiếp tục nghiêm trọng, dự kiến sẽ tăng lên 65-68% GDP vào năm 2020, so với mức 59% của năm 2019.
Cũng theo WB, dự trữ ngoại hối của Lào sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020, chỉ có thể duy trì khả năng nhập khẩu trong 1 tháng duy nhất.
“Trong giai đoạn thử thách này, điều quan trọng là giảm tác động kinh tế đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp” bà Mariam Sherman, Giám đốc Văn phòng WB tại Myanmar, Campuchia và Lào cho biết.
Nhìn về tương lai, việc giảm gánh nặng nợ nước ngoài và thực hiện cải cách kinh tế vĩ mô sẽ giúp CHDCND Lào xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn – có thể ứng phó được với tác động từ bên ngoài.
Tác động của COVID-19 sẽ để lại hậu quả đáng kể đến thị trường lao động và tình trạng nghèo đói. Sự sụt giảm đột biến về hiệu suất của các ngành vận tải, du lịch và dịch vụ – khách sạn – chiếm 11% trong tổng số việc làm và 22% việc làm ở khu vực thành thị đã gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.
Ước tính 96.000 – 214.000 người sẽ quay trở lại tình trạng nghèo đói do hậu quả của dịch bệnh, Covid-19 sẽ phủ nhận một phần nỗ lực đạt được các thành tựu giảm nghèo trước đó của Lào, theo WB.
Báo cáo của WB cũng bao gồm một chương riêng biệt đề cập đến việc xây dựng một hệ thống y tế mạnh mẽ, có tính thích nghi cao. Cho biết Lào cần đầu tư xây dựng một hệ thống y tế đủ mạnh và hiệu quả để ứng phó với tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cần đảm bảo có đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết cho mọi người dân của mình.
Tổng hợp