Nhân dịp kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ( 13-12- 1920 – 13-12-2020), Tạp chí Lào Việt trân trọng giới thiệu chương 5 sách “Vững bền hơn núi, hơn sông” của nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp, Nhà xuất bản Thông tấn vừa xuất bản.
……
Sau năm 1975, Việt Nam và Lào đều sạch bóng thực dân, đế quốc xâm lược, quan hệ giữa hai nước bước sang trang mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có chủ quyền. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ngày 30-4-1976 có Nghị quyết Về tăng cuờng giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1977. Trong dịp này, hai bên đã trao đổi những vấn đề quốc tế quan trọng cùng quan tâm, cũng như việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước; ký Tuyên bố chung, ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và nhiều văn kiện quan trọng khác.
Phát biểu tại cuộc mit tinh trọng thể tại thủ đô Viêng Chăn ngày 16-7-1977 chào mừng Đoàn, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nói, tình hữu nghị và tình đoàn kết của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với Đảng và nhân dân Lào là tình đoàn kết mẫu mực, trong sáng, thủy chung, hiếm có và ngày càng được củng cố, phát triển tươi đẹp. Đó là tình đoàn kết anh em giúp đỡ nhau trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, đồng cam cộng khổ, động viên nhau cùng chiến đấu, cùng chiến thắng. Đồng chí nhấn mạnh: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào -Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn Phômvihản ký Tuyên bố chung, ngày 18 tháng 7 năm 1977
Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản là nhà lãnh đạo xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một người con ưu tú của cách mạng Lào, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí là Người bạn lớn thân thiết của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Đồng chí luôn luôn trân trọng, nghiên cứu vận dụng tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động cách mạng thực tiễn tại Lào, cùng Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước Lào, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn vàn ghềnh thác, tới đích vinh quang. Đồng chí có công lớn trong việc xây dựng, chăm lo vun đắp tình đoàn kết vĩ đại, quan hệ hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào mãi mãi bền vững hơn núi hơn sông.
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản sinh ngày 13-12-1920, tại bản Naxeng, huyện Khămthaburi (nay là thành phố Cayxỏn Phômvihản), tỉnh Xavẳnnakhệt. Thủa nhỏ có tên là Kẹo Cayxỏn Đoocmay. Năm 1935 lấy tên là Nguyễn Trí Mưu, sang Hà Nội thi vào Trường trung học Bào hộ (Colle`ge du Protectorat a` Hanoi), tiếp đó thi tốt nghiệp tú tài toàn phần và thi đỗ vào trường Đại học Luật ( Ecol Supe,rieur des Droits). Anh thanh niên người Lào này sớm hòa nhập phong trào cách mạng đang diễn ra tại Hà Nội. Có phẩm chất thông minh, nhanh nhẹn và tinh thần yêu nước, anh sớm được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng chí hướng. Năm 1944, anh được Hội thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (Hà Nội) kết nạp vào Hội. Anh hăng hái tham gia các hoạt động của tổ chức, vận động thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống bọn thực dân xâm lược hà khắc.
Đang học ở Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản được các bạn đưa cho xem Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Anh vui mừng vì thời cơ nhân dân hai nước nổi dậy giành chính quyền đã đến. Trường Đại học Luật đóng cửa. Nhớ quê hương, nhớ Tổ quốc Lào, Cayxỏn Phômvihản đáp chuyến xe đò trở về Xavẳnnakhệt tham gia đấu tranh giành chính quyền khi Nhật đảo chính. Việt Nam và Lào tuyên bố độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp huy động lớn lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh và máy bay yểm trợ, trở lại xâm lược. Cayxỏn Phômvihản rời quê hương, trở lại Hà Nội. Đầu năm 1946, anh có may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này Cayxỏn Phômvihản kể lại, tại cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều vấn đề, nhưng nội dung quan trọng hơn cả là người Việt Nam và người Lào cần phải đoàn kết với nhau chống thực dân Pháp để cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ tại Hà Nội, một số thanh niên yêu nước Việt Nam cùng một số thanh niên yêu nước Lào rút khỏi Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Cayxỏn Phômvihản tham gia công tác tại cơ quan tuyên truyền Khu 12. Đầu năm 1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương phân công theo dõi, chỉ đạo việc phối hợp, giúp đỡ cuộc kháng chiến ở Lào, trong đó có nhiệm vụ cấp bách là việc tổ chức lực lượng, giúp xây dựng Sầm Nưa trở thành căn cứ địa của Trung ương để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Lào. Được Khu 12 giới thiệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp anh thanh niên niên người Lào Cayxỏn Phômvihản thông minh, có nhiệt huyết cách mạng đang khát khao về nước tham gia kháng chiến. Cuộc gặp diễn ra tại Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên.
Sau cuộc gặp lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo và được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đồng ý chọn đồng chí Cayxỏn Phômvihản phụ trách Đội công tác đưa về Lào hoạt động. Ban xung phong Lào Bắc có quyết định thành lập ngày 27-2-1948 , ban đầu có 16 người, cả người Việt và người Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng. Đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Chính trị viên. Phía Lào, còn có các đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Bun Thăn, Phoongphêt. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Xung phong Lào Bắc căn dặn : “Thiết lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban Xung phong Lào Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban Xung phong Lào Bắc nhanh chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập nhanh chóng thành lập”…
Ban xung phong Lào Bắc đóng quân tại Lao Khô, xã Phiêng Khoải, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bố trí đến ở nhà cụ Tráng Lao Khô. Một thời gian sau, để đảm bảo an toàn, đồng chí Cayxỏn Phômvihản chuyển ra sinh hoạt cùng anh em ở hang Thẩm Mễ, bản Lào Măng. Cụ Tráng Lao Khô không quản nguy nan, thường xuyên mang lương thực, rau, muối, tiếp tế cho bộ đội Việt – Lào.
Trong dịp khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào ngày 6-7-2017, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu tặng quà nhân dân bản Lào Khô, xã Phiêng Khoải, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Từ Lao Khô, cán bộ, chiến sĩ hành quân sang đất Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản chia nhỏ đội hình thành ba tổ xung kích tiến vào Mường Hét, Xiềng Khọ bắt mối liên lạc với nhân dân, xây dựng cơ sở tại các bản người Mông, người Puộc ở tà xẻng Lào Húng. Đến tháng 10 năm 1948, xây dựng được 44 bản cơ sở, gồm 331 gia đình với số dân hơn 1.500 người. Có những cụ già đã chỉ cho đội biết hoạt động, hướng đi của bọn thổ phỉ. Cụ Mừn Thíp có người cháu làm trung đội trưởng trung đội lính địch đóng tại Xiềng Khọ, cụ đã khuyên người cháu – trung úy trưởng đồn Xiêng Khọ trở về với dân bản.
Hoạt động tích cực, sôi nổi, có tinh thần trách nhiệm, đồng chí được anh em trong đơn vị quý mến. Chi bộ Đội xung phong Lào Bắc kết nạp đồng chí Cayxỏn Phômvihản vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 6-1-1949 và trở thành đảng viên chính thức ngày 28-7-1949. Từ một thanh niên Lào yêu nước, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trở thành một đảng viên cộng sản kiên cường của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trải qua thời gian chiến đấu, xây dựng lực lượng và trưởng thành, ngày 20-1-1949, Quân đội Lào Ítxalạ tuyên bố thành lập. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Tổng chỉ huy Quân đội Lào Ítxalạ. Bộ Chỉ huy Quân đội Lào còn có các đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Phun Xipaxơt và Xingcapô Xikhôt Chulamani. Đến tháng 11 năm 1949 Quân đội Lào Ítxalạ phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công địch tại phòng tuyến Sông Mã, tiêu diệt cứ điểm địch ở Xiềng Khọ, bức rút, gọi hàng 9 vị trí địch, giúp cho việc thành lập Ủy ban kháng chiến huyện Xiềng Khọ ra đời. Từ thắng lợi vang dội này, Ủy ban kháng chiến tỉnh Hủa Phăn được thành lập….
Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Trưởng đoàn. Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Luận cương cách mạng Việt Nam và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội xác định hai nhiệm vụ chính là: thúc đẩy kháng chiến đến thắng lợi và kiện toàn tổ chức Đảng cho phù hợp với tình hình mới. Cuộc kháng chiến tại ba nước có bước phát triển riêng biệt, đòi hỏi phải có đường lối, chính sách riêng, phù hợp. Từ thực tiễn khách quan này, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập tại mỗi nước một đảng cộng sản, có cương lĩnh riêng, trên cơ sở phối hợp hành động chung để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước.
Đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới yêu cầu cấp bách đẩy mạnh cuộc kháng chiến tại ba nước tới thắng lợi hoàn toàn. Người chỉ rõ: cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam có liên quan mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng Lào và Campuchia. Người nói: “ Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt-Miên-Lào”…
Trong dịp Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các đồng chính lãnh đạo Lào. Người nói: “ Các đồng chí Lào cần cố gắng thành lập cho được đảng cách mạng và ra sức củng cố đảng để đảng có đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng trên đất nước Lào. Về phía mình, Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí Lào. Có Đảng cách mạng Lào lãnh đạo nhân dân Lào, có sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Việt Nam và các nước bạn bè, cách mạng Lào nhất định thắng lợi; cán bộ Lào cần tin vào sức mình”
Tại Đại hội này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về con đường phát triển cách mạng Đông Dương. Đồng chí cho rằng chủ trương thành lập đảng cách mạng ở mỗi nước là phù hợp với yêu cầu khách quan của tình hình phát triển ở mỗi nước. Trong dịp này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được tặng cuốn sách Sửa đổi lối làm việc của X.Y.Z (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết năm 1947. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, đồng chí thường xuyên đọc cuốn sách “ gối đầu giường” này. Đồng chí đặc biệt tâm đắc điều cốt yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên “ Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “ Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “ Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”, “Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí lãnh đạo Lào chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng cách mạng Lào. Đồng chí thường xuyên xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ, đảng viên, nắm bắt tình hình thực tiễn tại Trung Lào, Nam Lào và Bắc Lào. Trải qua quá trình dày công chuẩn bị, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào diễn ra từ ngày 22-3 đến ngày 6-4-1955. Đọc báo cáo chính trị thành lập Đảng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu rõ điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi để thành lập ở Lào một chính đảng của gai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân Lào tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mục đích tôn chỉ của Đảng Nhân dân Lào là kế tục sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm phương châm chỉ đạo mọi hành động của Đảng. Đại hội thông qua những chính sách cơ bản, Chương trình hành động 12 điểm, bầu Ban Chỉ đạo toàn quốc gồm 5 thành viên. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Khi đế quốc Mỹ thực hiện bước leo thang chiến tranh mới, đưa lực lượng không quân Mỹ tham chiến ở Lào, cho máy bay đánh phá ác liệt vùng giải phóng Lào, trước tình hình mới, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định họp đại biểu toàn quốc lần thứ II. Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân Lào họp tại khu Chăm Mát ( nay là phường Chăm Mát), thành phố Hòa Bình trong một tuần. Trước ngày khai mạc Đại hội, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Văn Lương đã đến thăm. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản trực tiếp hướng dẫn Đoàn thăm hội trường và một số phòng ở của các đại biểu.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào họp từ ngày 3-2 đến ngày 6-2-1972, tại chiến khu Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc báo cáo chính trị, tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào và đề ra nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đại hội thông qua bản sửa đổi Điều lệ Đảng; quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đại hội nhất trí suy tôn đồng chí Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng và quyết định đặt tượng của Người ở vị trí trang trọng của Đại hội; thông qua Nghị quyết Tăng cường đoàn kết Lào- Việt Nam. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 23 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong suốt 65 năm qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, với đường lối đúng đứng, sáng suốt, đã lãnh đạo nhân dân Lào tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thiết lập chế độ mới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1975 và xây dựng đất nước Lào ngày nay./.
Nguyễn Thế Nghiệp – Nguyên Trưởng đại diện TTXVN tại Lào