Theo báo chí Lào, ngày 7/7 tại văn phòng chính quyền huyện Ngeun, tỉnh Xayaboury đã diễn ra hội nghị tham vấn về tính khả thi của việc xây dựng khu kinh tế đặc biệt tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nam Ngeun. Tham dự hội nghị có Phó tỉnh trưởng Xayaboury Phengnilun Khamphanpheng, Cục trưởng Cục khuyến khích và quản lý đặc khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Champa Khamsouksay cùng đại diện Bộ Công chính và Vận tải, đại diện Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ An ninh, đại diện các Bộ và ngành chức năng có liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, Huyện trưởng Thavysack Xayavong cho biết huyện Ngeun, tỉnh Xayaboury được thành lập năm 1992, bao gồm 22 bản, 342 đơn vị sản xuất, 3.642 hộ gia đình, 18.900 dân sinh sống trên diện tích 758.4 km2, huyện Ngeun là địa phương có 83% địa hình là núi cao, có tất cả 5 cộng đồng dân tộc sinh sống với hoạt động chính là canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán phụ trợ.
Huyện Ngeun có nhiều tiềm năng khi nằm ở vị trí thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế Nam Nguen với Thái Lan, là trung tâm kết nối các địa phương trong khu vực với hạ tầng giao thông thuận tiện, tạo điều kiện tốt cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại, đặc biệt là với huyện Hongsa, với huyện Pakbeng của tỉnh Oudomxay, giữa huyện Xieng Hon và huyện Chaloem Phra Kiat, thuộc tỉnh Nan của Thái Lan. Vì vậy, sau thời gian khảo sát sơ bộ, chính phủ Lào đã cho phép xây dựng đề án về thành lập một khu kinh tế đặc biệt, nằm tại phía Tây trung tâm huyện, có tổng diện tích dự kiến khoảng 1.101ha, trong đó bao gồm 880.3ha đất công.
Tại hội nghị, các ban ngành Chính phủ Lào đã tập trung thảo luận về tính khả thi phát triển khu kinh tế đặc biệt nói trên tại khu vực huyện Ngeun, qua đó thúc đẩy hoàn thành nội dung, thông tin về vị trí, các tiềm năng đặc thù, điểm giao kết, quy trình triển khai thực tế bao gồm dự kiến việc ký biên bản ghi nhớ, ký kết phát triển dự án.
Theo đó, khu kinh tế đặc biệt huyện Ngeun được định hướng trở thành trung tâm logistics, vận tải và quá cảnh hàng hóa trong tương lai.
Gần đây, cũng trong khuôn khổ dự án phát triển thương mại dọc biên giới với Thái Lan, đã có hai doanh nghiệp tư nhân đề nghị được đầu tư vào khu kinh tế phức hợp, khu thương mại-dịch vụ, kho bãi Logistic, một số điểm du lịch và khu nông nghiệp-chăn nuôi tại khu vực dự án cầu Hữu nghị số 5 nối tỉnh Bolikhamxay và Beungkan của Thái Lan.
Đặc khu kinh tế (SEZ) đang được Chính phủ Lào khuyến khích phát triển trong vài năm trở lại đây để đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.
Báo cáo mới nhất của văn phòng Ủy ban quản lý và xúc tiến SEZ Lào cho biết các tổ chức phát triển SEZ tại nước này đã đầu tư tổng cộng 4.28 tỷ USD trong khi các doanh nghiệp tư nhân đã rót 1.36 tỷ USD, chính phủ Lào đã đóng góp khoảng hơn 52 triệu USD. Số lượng SEZ đã tăng từ con số 10 trong năm 2013-2014 lên 12 SEZ trong năm 2018, tổng vốn đầu tư ước tính 43.77 tỷ USD và tổng vốn đăng ký khoảng 14.3 tỷ USD.
Tính đến năm 2018, tổng giá trị đầu tư thực tế vào các SEZ mà Lào ghi nhận là gần 5.7 tỷ USD. Trong số 806 đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động tại SEZ có 26.34% thuộc lĩnh vực công nghiệp, 25.26% thuộc lĩnh vực thương mại và 48.4% trong lĩnh vực dịch vụ, Ủy ban quản lý và xúc tiến SEZ cho biết.
Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ SEZ đạt 1.75 tỷ USD vào năm 2018. SEZ cũng đóng góp hơn 349 tỷ kip các loại thuế, phí theo nghĩa vụ luật pháp.
SEZ cũng tạo ra tổng cộng 55.771 việc làm, trong đó có 12.596 lao động Lào. Nhà nước Lào cũng đã phê duyệt khoảng 28.489ha đất cho các doanh nghiệp hoạt động bên trong SEZ nhưng mới chỉ có 14.960ha được bàn giao, trong đó có 11.678ha đất thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Tổng hợp