Theo quy định mà chính phủ Lào đề ra, mọi giao dịch thương mại trong nước phải được thực hiện hoàn toàn bằng đồng Kip, tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có nguồn doanh thu tốt trên cơ sở các đồng tiền nước ngoài.
Doanh nghiệp Lào bán hàng nhập khẩu dựa trên tỷ giá hối đoái của thị trường ngoài
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu – măt hàng mà Lào phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu, đang gặp thách thức lớn nhất là phải bán ra theo biểu giá do chính phủ quy định.
Vì vậy, các doanh nghiệp nhiên liệu buộc phải tìm ra cách để thu về ngoại tệ, nhằm đảm bảo khả năng nhập khẩu, cũng như duy trì hoạt động.
Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu và khí đốt Lào Anousine Pholsena cho biết hôm 25/8 rằng các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã thu được ngoại tệ từ nhiều kênh khác nhau, để đảm bảo khả năng nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp đang cố gắng nhập khẩu nhiên liệu từ Thái Lan và thanh toán bằng đồng Kip Lào, theo tỷ giá hối đoái chính thức. Một số khác lại đàm phán với đối tác trong nước, đặc biệt là dự án đầu tư, được thanh toán bằng đồng ngoại tệ.
Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu và khí đốt Lào, người cũng đang là Giám đốc doanh nghiệp nhiên liệu nhà nước cho biết nguồn ngoại tệ từ ngân hàng cung cấp đủ cho 50-60% giá trị nhập khẩu, con số khá ít nhưng được ngân hàng giải thích là để cung cấp nguồn tiền cho các dự án đầu tư khác.
Các doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều biện pháp quản lý rủi ro để có nguồn ngoại tệ ổn định cho việc nhập khẩu, trong đó bao gồm những đơn vị được chống lưng bởi ngân hàng do mình sở hữu, hoặc cố gắng thu về ngoại tệ bằng các giao dịch hàng hóa.
Các nỗ lực thu về ngoại tệ của khu vực doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh đồng Kip Lào đang trên đà trượt giá mạnh so với USD và bath Thái Lan.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép tại thành phố Vientiane mới đây cũng cho biết một lượng lớn ngoại tệ có sẵn tại thị trường ngoài, trong khi các ngân hàng thương mại hạn chế giới hạn quy đổi cho doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp gần như không gặp vấn đề nào trong việc mua đồng bath Thái từ thị trường ngoài hệ thống, dẫn đến việc sản phẩm bán ra được tính theo tỷ giá hối đoái của khu vực này.
Nghĩa là, “khách hàng được phép thanh toán bằng đồng Kip, nhưng phải tính theo tỷ giá hối đoái của thị trường ngoài”.
Trong thời gian qua, sự biến động của tỷ giá hối đoái do dự trữ ngoại tệ thấp đã tác động đến giá cả hàng hóa tại Lào, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm.
Các nhà bán lẻ thường dựa vào sự biến động hối đoái để điều chỉnh giá hàng hóa, điều này giải thích cho hiện tượng thực phẩm và đồ gia dụng thường xuyên tăng giá trong giai đoạn này.
Hầu hết các doanh nghiệp không muốn mất lợi nhuận khi phải bán hàng hóa nhập khẩu theo tỷ giá hối đoái chính thức bởi khoảng cách rất lớn giữa thị trường trong và ngoài, đang ngày một được nới rộng, điều này thúc đẩy xu hướng tìm kiếm ngoại tệ trên thị trường ngoài.
Do giá trị nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, sự biến động tỷ giá hối đoái tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa, lớn hơn là đời sống người dân và nền kinh tế nói chung.
Tỷ lệ lạm phát của Lào sau 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 6.1%, theo báo cáo của Chính phủ mới đây, và một trong các mục tiêu quan trọng mà Lào đặt ra là đảm bảo kiềm chế lạm phát ở biên độ cho phép.
Chính phủ Lào cũng cho biết đủ khả năng nhập khẩu trong 3. 4 tháng. Nếu so với kim ngạch gần đây của nước này, có thể xác định lượng dữ trữ ngoại hối của nước này đang loanh quanh ở mức 1 tỷ USD.
“Lượng lớn tiền bath đang được lưu thông tại Lào, xuất phát từ các hoạt động kinh tế và cam kết thương mại giữa hai nước”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và khi đốt Lào cho biết.
Tổng hợp