Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) lần thứ 11 và các hội nghị liên quan tổ chức từ ngày 19 – 22/11 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) với chủ đề “ASEAN hợp tác vì hòa bình, an ninh và tự cường” đã chính thức khép lại thành công tốt đẹp.
Thông cáo về kết quả các hội nghị vào ngày 21/11, Bột rưởng Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath cho biết: Hội nghị ADMM lần thứ 18 được tổ chức ngày 20/11 với sự tham dự của Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN, Timor Leste đại diện nước quan sát viên và Tổng Thư ký ASEAN cùng đoàn đại biểu các nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có báo cáo tóm tắt về kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN, thông qua các quy định bổ sung về hoạt động giám sát của Nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, văn kiện chiến lược về sự sẵn sàng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trong tương lai, khái niệm về hợp tác và kết nối hàng hải, đề xuất các tiêu chuẩn hoạt động của Lực lượng quân đội ASEAN về viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai lên Ủy ban quản lý thiên tai ASEAN và phụ lục khái niệm về hài hòa các hoạt động hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Hội nghị đã thông qua đánh giá kết quả tham dự quan sát viên của Nhóm chuyên gia trong khung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng giai đoạn 2021 – 2023 và đăng ký tham gia quan sát của Nhóm chuyên gia trong giai đoạn 2024 – 2027. Đặc biệt, các nước thành viên đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM-18 với tên gọi: “Tuyên bố chung Viêng Chăn của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác vì hòa bình, an ninh và tự cường của ASEAN”. Tuyên bố chung ghi nhận sự phức tạp do các yếu tố địa chính trị và địa chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh năng lượng và khan hiếm lương thực, cùng những thay đổi về văn hóa và xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh trong và ngoài khu vực.
Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM và ADMM+ trong cấu trúc an ninh khu vực, tạo khuôn khổ cho đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng thực chất với ASEAN là trung tâm. Tuyên bố chung tái khẳng định ASEAN là một Cộng đồng hướng ngoại, coi trọng sự tham gia và hợp tác với các đối tác đối thoại và bạn bè của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời duy trì và tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, góp phần vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh cũng như thúc đẩy sự tự cường trong và ngoài khu vực.
Tuyên bố chung tái khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc và mục đích cơ bản được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trong việc tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN và duy trì cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ phù hợp luật pháp quốc tế vì lợi ích của người dân cũng như vai trò trung tâm của ASEAN là động lực chính trong tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và các biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác của khối; tái khẳng định tầm quan trọng của Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) định hướng cho ASEAN trong việc hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Tuyên bố chung ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm về Mi-an-ma và nhắc lại cam kết của Mi-an-ma trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tình hình hiện nay.
Tuyên bố chung nhắc lại cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng của tất cả các bên để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Bộ trưởng Chansamone cho rằng, việc thông qua tuyên bố này là thành công quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 18 và các hội nghị khác do Bộ Quốc phòng Lào chủ trì vào năm 2024. Thành công này không chỉ đóng góp quan trọng vào vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay mà còn là một bước tiến quan trọng góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN và thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển của toàn khu vực.
Ngoài Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, ngày 21/11/2024, Bộ Quốc phòng Lào còn đăng cai và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 11 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng tất cả 18 nước thành viên ASEAN+. Trong đó, có 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước mở rộng là: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Mỹ. Bên cạnh đó còn có Timor Leste với tư cách là nước quan sát viên và Tổng thư ký ASEAN.
Hội nghị ASEAN+ lần thứ 11 năm nay đã nghe báo cáo tóm tắt về kết quả cuộc họp của các Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN và báo cáo của Ban Thư ký ASEAN về những hoạt động nổi bật của ASEAN. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng trao đổi về tình hình chính trị – an ninh nổi bật trong khu vực và quốc tế cũng như trao đổi quan điểm về giải quyết các thách thức an ninh hiện tại và tương lai. Chương trình nghị sự quan trọng nhất của hội nghị là việc thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ về tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai bởi biến đổi khí hậu và thiên tai tự nhiên, bao gồm việc chia sẻ những bài học hay và nâng cao năng lực. Việc thông qua tuyên bố này thể hiện thành công quan trọng của Bộ Quốc phòng Lào trong việc chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ lần thứ 11, cũng như đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và ASEAN mở rộng trong việc xây dựng năng lực ứng phó với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bộ Quốc phòng Lào đã bàn giao chức chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ lần thứ 12 cho Bộ Quốc phòng Malaysia tiếp tục đăng cai tổ chức vào năm 2025. Ngoài ra, còn có Hội nghị không chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Mỹ, ASEAN – Trung Quốc nhằm thảo luận về hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và hai nước; Lễ kỷ niệm 50 năm hợp tác ASEAN – Australia và 35 năm quan hệ ASEAN – Hàn Quốc là sự kiện quan trọng trong vai trò Chủ tịch ASEAN của Bộ Quốc phòng Lào năm nay. Nhìn chung, việc đăng cai và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 11 và các hoạt động liên quan khác diễn ra trong bầu không khí cởi mở, xây dựng và nội dung đầy đủ, các nước thành viên ASEAN và ASEAN+ đã tham gia và đóng góp tích cực cho thành công của các hội nghị lần này.
Tổng hợp