Hôm 15/5, Phòng Công nghiệp và Thương mại quốc gia Lào (LNCCI) vừa trình Chính phủ báo cáo tổng hợp các đề xuất về biện pháp và chính sách nhằm làm giảm tác động và phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng dịch Covid-19.
Các khuyến nghị của LNCCI trình Chính phủ Lào dựa trên cơ sở dữ liệu mà cơ quan này tổng hợp, phân tích sau quá trình khảo sát và nghiên cứu tình hình nền Kinh tế sau tác động của dịch bệnh Covid-19, theo mô tả tại bản báo cáo.
Cụ thể, LNCCI đưa ra 8 đề xuất lên Chính phủ, kêu gọi có các biện pháp và chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy nền Kinh tế phục hồi và phát triển trở lại.
Theo LNCCI, các biện pháp và chính sách sẽ là đòn bẩy giúp ngành công nghiệp sản xuất phục hồi và nâng cao hiệu quả hơn trước, tuy nhiên, theo đánh giá, kinh tế Lào sẽ cần 28 tháng để có thể phục hồi và phụ thuộc vào tình hình thực tế của từng lĩnh vực cụ thể.
Đề nghị Chính phủ ban hành biện pháp và chính sách hỗ trợ thanh khoản cho khu vực Ngân hàng thương mại và Trung tâm tài chính nhằm cung cấp thêm vốn vay cho doanh nghiệp. Ngoài chính sách tín dụng 238/BOL mà Ngân hàng CHDCND Lào ban hành, các biện pháp giải quyết khẩn cấp nên được xem xét gồm việc nới lỏng quy định về giảm vốn, cung cấp vốn vay bằng ngoại tệ, tạo cơ chế hối đoái, lập quỹ bảo lãnh tín dụng, cung cấp vốn vay khẩn cấp, triển khai quỹ hỗ trợ SMEs.
LNCCI ủng hộ Chính phủ Lào gia nhập IMF để tìm kiếm hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Đề xuất Chính phủ Lào phát triển đầu tư thông qua việc thành lập quỹ vốn cổ phần cá nhân (PE) hoặc quỹ đầu tư doanh nghiệp (VC) hoặc các hình thức dịch vụ khác nhằm huy động vốn vào việc phục hồi nền kinh tế.
LNCCI đề nghị Chính phủ thanh lý tài sản (doanh nghiệp) không sử dụng đến hoặc trong tình trạng không đủ tốt song song với việc giữ lại tài sản được khai thác hiệu quả. Nếu được sở hữu cổ phần bởi nhà đầu tư có chất lượng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích, đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo tính toán, LNCCI dự đoán Chính phủ cần phải dùng tối thiểu 380 triệu USD (tương đương 2% GDP năm 2019) để khỏa lấp nhu cầu chi ngân sách nhằm phục hồi, quy hoạch lại khu vực sản xuất cũng như nền kinh tế, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ đối với thành phần xã hội bị ảnh hưởng, trong đó, cần bơm vào khu vực doanh nghiệp khoảng 152 triệu USD, tương đương 40% tổng số nguồn vốn huy động nói trên.
Ngoài ra, để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi, LNCCI đề nghị Chính phủ Lào ban hành chính sách ưu đãi thuế quan, giảm VAT xuống một nửa, còn 5% và miễn trừ thuế thu nhập cho khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tiếp tục ưu tiên áp dụng chính sách này trong vòng 28 tháng, kể từ tháng 7/2020 trở đi.
Chính phủ Lào cũng được khuyến nghị sử dụng diễn đàn doanh nghiệp như là công cụ đối thoại và giải quyết các khó khăn của khu vực kinh doanh, từ đó điều chỉnh chính sách, ban hành quy định nhằm cải thiện thứ hạng về môi trường kinh doanh thuận lợi ( Lào đứng thứ 154/190 theo bảng xếp hạng EDB).
Để quá trình phục hồi nền Kinh tế đạt hiệu quả, LNCCI kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa khu vực công và tư trong việc hoạch định phát triển, tổ chức thực hiện. kiểm tra và đánh giá các đề án, dự án của Chính phủ; khuyến khích phát triển sản xuất thương mại hóa, sử dụng hàng nội địa và quản lý hàng tiêu dùng nhập khẩu; phát triển hệ thống đào tạo tay nghề lao động; tăng cường quảng bá, phát triển khu vực du lịch.
Ngoài việc theo dõi và đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế cũng như khu vực doanh nghiệp Lào, LNCCI cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi khu vực sản xuất như Dự án củng cố hệ thống vay vốn đối với nông dân và MSME tại Vientiane; Dự án cung cấp tín dụng thông qua quỹ SME; Dự án phục hồi ngành du lịch; Dự án phục hồi công nghiệp chế biến; Dự án SME Clinic, tư vấn doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.
Theo LNCCI