Lào, không có đường biên giới biển, là một trong các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực Đông Nam Á, được phản ánh qua biến động liên tục của tỷ giá hối đoái.
Trung tâm thống kê Lào vừa công bố báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tại Lào, cho biết CPI trong tháng 7 đạt 113.15 điểm, tỷ lệ lạm phát ở mức 5.12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong cùng giai đoạn được báo cáo là 3.39%, Philippines là 2.7%, Indonesia là 1.54%, Thái Lan là -0.98% và Malaysia là -1,3%.
Lạm phát của nước láng giềng Lào là Trung Quốc ở mức 2.7%, trong khi Ấn Độ là 6.9%, Australia là -0.3%, Nhật Bản là 0.3% và Mỹ là 1%.
Những biến động của chỉ số giá tiêu dùng xuất phát từ việc đồng tiền nội địa Lào tiếp tục yếu thế so với bath Thái Lan và USD, do nước này phải mua thêm nhiều ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa.
Tỷ lệ lạm phát của Lào tăng cao được thúc đẩy bởi nhóm hàng tiêu dùng, bao gồm thực phẩm và đồ uống, với mức tăng 8.79% với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là nhóm may mặc và giày dép, tăng 5.25% và đồ gia dụng tăng 5.22%.
Việc lạm phát gia tăng làm chi phí sinh hoạt bị đẩy cao và không có gì ngạc nhiên khi Lào được xếp vào nhóm các quốc gia đắt đỏ trong khu vực Asean.
Theo nhà kinh tế nhiều kinh nghiệm Mana Southichack, diễn biến lạm phát của Lào là khó đoán vì đại dịch Covid-19 vẫn đang không chắc chắn.
Ông Mana đánh giá khu vực doanh nghiệp cần phải mất một khoảng thời gian để phục hồi, thời điểm mà khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại Lào..
Mặc dù chính phủ Lào đang tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng tình hình chưa được cải thiện như kỳ vọng.
Áp lực từ tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, chính phủ Lào hiện đang gặp khó khăn trong việc kiềm chế mức độ lạm phát trong giới hạn cho phép.
Hội nghị thường kỳ chính phủ Lào tháng 8 mới đây cũng đã thống nhất thúc đẩy việc theo dõi và điều tiết tỷ giá hối đoái cùng mức độ lạm phát để giảm tác động của việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Đồng thời, các hoạt động khuyến khích sản xuất trong nước, kiểm soát quy trình nhập khẩu cũng được yêu cầu thực thi tích cực hơn.
Theo Trung tâm thống kê, mức độ lạm phát cao nhất trong năm là ở khu vực miền Nam, đạt 6.2%, miền Trung là 4.3% và miền Bắc là 5.7%.
CPI tháng 7 cũng tăng 5.56% so với cùng kỳ năm ngoái, dựa trên cơ sở tăng giá của 230 mặt hàng thực phẩm, chiếm 47.4% tổng số mẫu khảo sát của Trung tâm thống kê quốc gia.
Cũng trên 255 mặt hàng nhập khẩu, chỉ số CPI đã tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 52.6% tổng số sản phẩm được sử dụng để khảo sát giá cả.
Tổng hợp