Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư Lào mới đây chỉ ra 10 vấn đề mà Chính phủ Lào cần giải quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị đã diễn ra hôm 17/12 vừa qua tại thủ đô Vientiane dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphanedone.
Theo đó, ngoài những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Sonexay cũng chỉ ra các yếu tố mà Lào cần chú trọng hơn để duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia trong năm tới.
So với các vấn đề mà Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết hồi đầu năm nay hầu như chưa đạt được tiến độ đáng kể, kinh tế Lào tiếp tục ảm đạm dẫn đến việc dự báo tăng trưởng năm 2019 chắc chắn sẽ không đạt chỉ tiêu mà nước này đề ra.
Cơ cấu kinh tế vẫn chưa dịch chuyển với tốc độ cần thiết, Lào vẫn dựa vào nguồn thu chính từ việc bán điện và quặng trong khi các mặt hàng tiêu dùng quan trọng chưa thể giảm tỷ trọng nhập khẩu. Các chính sách khuyến khích sản xuất vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Ngành nông nghiệp của nước này trong nỗ lực áp dụng các tiến bộ công nghệ cũng không bù đắp được sự lạc hậu trong kỹ thuật trồng trọt, các mặt hàng mà Lào có thể sản xuất được không có nhiều cơ hội ra thị trường do người dân Lào còn đang ưa chuộng đồ nhập khẩu. Môi trường kinh doanh trong nước tiếp tục ảm đạm, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa thể chuyển mình để đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế quốc gia.
Chính phủ Lào cũng thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra chưa đủ chuyên sâu, khả năng tương tác giữa các cấp chính quyền thấp là nguyên nhân khiến các chỉ tiêu tăng trưởng đều không trở thành hiện thực.
Lào cũng ghi nhận hiệu quả thấp của chính sách chuyển đổi mô hình hiện đại hóa việc thu ngân sách bởi ý thức doanh nghiệp thấp, cố gắng tìm các kẽ hở để né tránh nghĩa vụ với nhà nước.
Chính phủ Lào cũng cho biết “cần thêm thời gian” để xử lý vấn đề yếu kém về tài chính-ngân sách quốc gia tích tụ nhiều năm thông qua việc điều chỉnh giảm bớt quy định không cần thiết.
Mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế Lào ở mức cao, tỷ giá quy đổi tiền tệ biến động mạnh, chênh lệch tỷ giá giữa ngân hàng và chợ đen lớn, thâm hụt vãng lai cao, dự trữ ngoại tệ thấp và Chính quyền cũng không thể quản lý chặt chẽ được thị trường tài chính trong bối cảnh tiền kíp bị yếu thế ngay trên sân nhà. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Lào vẫn duy trì ở mức cao bởi các khoản vay lớn để điều tiết ngân sách, các khoản nợ của Chính phủ chiếm tỷ lệ cao trong GDP. Vì vây, tỷ lệ lạm phát trong quý cuối năm cũng đã vượt khỏi biên độ cho phép là điều tất yếu.
Ngoài ra, các nỗ lực tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh trong nước cũng chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, niềm tin của nhà đầu tư vào các ngành được cho là tiềm năng của Lào cũng đang rất thấp, từ việc lạc quan vào khả năng tăng bậc trên bảng xếp hạng EDB ngay trong năm 2020, thủ tướng Lào Thongloun Sisulith mới đây cũng phải thừa nhận các thay đổi chính sách này phải cần thêm 2 năm mới đem lại chuyển biến thực sự.
Vấn đề ngân sách thâm hụt sâu và tích tụ nhiều năm khiến việc thanh toán dự án đầu tư công của Lào cũng bị giới hạn, Chính phủ nước này đã phải đưa ra động thái dừng toàn bộ dự án mới và tăng cường thanh tra dự án đang có để giảm áp lực cho ngân sách.
Một thống kê mới đây cũng cho biết dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Lào là tuyến đường sắt Vientiane-Côn Minh đang sử dụng khoảng 30.000 lao động từ Trung Quốc và chỉ có khoảng 3.000 lao động Lào được tham gia vào các hạng mục phụ cho thấy chính sách đào tạo nhân lực của Lào thiếu hiệu quả cả về chất và lượng. Nguồn nhân lực trẻ trong nước không được định hướng nghề nghiệp phù hợp với tình hình đất nước, lựa chọn những ngành nghề thiếu thực tế hoặc quá chú trọng vào việc trở thành công chức nhà nước.
Tiếp đó, Chính phủ Lào cũng thừa nhận khoảng cách giữa các cấp chính quyền, khoảng cách phát triển vùng miền về cả tài chính, xã hội, khả năng tiếp cận tài nguyên…rất lớn, chính sách giảm nghèo cũng không đạt hiệu quả do thiếu ngân sách.
Vấn đề cuối cùng mà Lào cần giải quyết triệt để là đạo đức cán bộ, đặc biệt là cán bộ ngành tài chính, thuế quan khi nước này liên tục phát hiện các sai phạm, lãng phí, tham nhũng, biển thủ làm thất thoát hàng trăm tỷ ngân sách.
Tựu chung, những khó khăn của Lào không phải là mới, đều là những vấn đề mang tính kinh niên. Với việc nhạy cảm với các thay đổi của bên ngoài và dễ tổn thương trước thiên tai, kinh tế Lào dự báo là vẫn sẽ tăng trưởng ổn định nhưng tiếp tục ảm đạm trong thời gian sắp tới
Tổng hợp