Thuộc khuôn khổ kỳ họp thứ 10, Quốc hội Lào khóa 8 đang diễn ra tại thủ đô Vientiane, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone chiều 27/10 trình bày lấy ý kiến dự thảo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 8, dự thảo kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 9.
Phó Thủ tướng Lào cho biết kinh tế Lào giai đoạn 2016-2020 đạt mức tăng trưởng bình quân 5.8%/năm, thấp hơn mục tiêu 7.2% mà Quốc hội thông qua trước đó. Mức tăng trưởng kinh tế cũng ghi nhận nhịp độ giảm dần, tuy nhiên vẫn ở mặt bằng cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Bình quân GDP đầu người trong năm 2020 ở mức 2.664 USD, tương đương 89.45% (mục tiêu 2.978 USD), trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 1.9%, chiếm 15.9% GDP (kế hoạch sửa đổi lần lượt là 3.4%-16.8% GDP), công nghiệp tăng trưởng 8.7%, chiếm 31.7% GDP (kế hoạch 9.3%-39% GDP), dịch vụ tăng trưởng 4.2%, chiếm 41.2% GDP (kế hoạch 8.1%-35.4% GDP), lĩnh vực thuế-hải quan tăng trưởng 5.1%, chiếm 11.1% GDP (kế hoạch 5%-8.8% GDP).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận nhiều vấn đề tồn đọng trong giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm đã qua, nhiều thách thức và khó khăn đã khiến nhịp độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng không cao khi vẫn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngoài ra hoạt động sản xuất hàng hóa vẫn đang thiếu tính đa dạng, chưa thể trở thành nguồn lực thúc đẩy xuất khẩu.
Các khó khăn kinh tế-tài chính-tiền tệ cùng vấn đề nợ công của Lào cũng chưa thể giải quyết triệt để, thu ngân sách không đủ bù chi, thực thi kỷ luật tài khóa không nghiêm ngặt, dự trữ ngoại hối thấp hơn mục tiêu, việc cải thiện thuận lợi môi trường kinh doanh bằng công cụ pháp lý chưa đạt hiệu quả làm giảm sức thu hút đầu tư.
Các biện pháp, chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp MSMEs chưa đạt hiệu quả cao. Doanh nghiệp nội địa phần lớn không vững mạnh, thiếu cơ sở sản xuất, dịch vụ và thị trường ổn định, doanh nghiệp nhà nước phần lớn thua lỗ.
Bên cạnh đó, khả năng khai phá các tiềm lực nội tại của đất nước cũng như tranh thủ lợi ích từ hợp tác quốc tế cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, việc sử dụng tài nguyên tự nhiên thiếu tính hiệu quả, quá trình nâng cấp chuyên môn-kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án phát triển, tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp chưa thể giải quyết triệt để, việc bảo vệ quyền lợi lao động và quản lý lao động nước ngoài bất hợp pháp thiếu sự chặt chẽ.
Ông Sonexay Siphandone cũng thừa nhận khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội đang có xu hướng bị nới rộng, các nỗ lực giảm nghèo và phát triển nông thôn của Chính phủ cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Năm 2020, tác động tiêu cực của Covid-19 cũng các khó khăn trước đó cũng khiến tỷ lệ nghèo đói của Lào tăng lên 1.4-3.1% so với kịch bản không có đại dịch là 0.6%.
Phó Thủ tướng Lào cũng cho biết vấn đề quản lý xã hội bằng nhà nước pháp quyền cũng còn nhiều điểm cần cải thiện trong bối cảnh sai phạm quy định pháp luật, hiệu quả thực thi phán quyết tòa án chưa triệt để, tình trạng tiêu cực trong cán bộ chức năng vẫn còn tồn tại.
Tổng hợp