Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong phiên báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Lào khóa 8 khai mạc sáng nay 24/6 thừa nhận Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và kế hoạch tài khóa trong năm 2020 do kinh tế vĩ mô không vững mạnh, mức độ dễ tổn thương tích tụ trong nhiều năm chưa thể giải quyết.
Người đứng đầu Chính phủ Lào cho biết các nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng không đạt được nhiều thành tựu và chưa giải quyết tốt được các rủi ro bởi nền kinh tế đất nước chưa thoát khỏi tình trạng chắp vá.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng cho biết Chính phủ đã thay đổi tư duy trong việc hoạch định và đặt mục tiêu hành động trong năm 2020 để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra hoặc chỉ thấp hơn nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện ngoài dự kiến trong quý đầu tiên của năm đã tạo ra thêm áp lực cho nền kinh tế vốn dễ bị tổn thương của Lào.
Cũng theo nội dung báo cáo về công tác thanh tra của Ban thường vụ Quốc hội, Lào đối mặt với nguy cơ không thể đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm 2020, bao gồm khả năng tăng trưởng GDP 6.5% đã đề ra trong Nghị quyết Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Bounpon Bouttanavong cho biết Lào chỉ đạt được khả năng xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang Trung Quốc trong tổng hạn ngạch năm 2020 là 50.000 tấn, bên cạnh đó, nước này cũng mới xuất khẩu được 1.680 gia súc các loại trong khi chỉ tiêu cả năm là 100.000 con.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, báo cáo của Ban thường vụ Quốc hội cũng cho biết tỷ lệ bỏ học tại Lào vẫn đang cao, tỷ lệ nhập học bậc trung học phổ thông, tỷ lệ sinh đẻ có hỗ trợ y tế, khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh dịch tễ, du lịch, xây dựng gia đình và bản văn hóa, phát triển tay nghề lao động… tiến độ phát triển nông thôn, giảm nghèo cũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Bounpon Bouttanavong cũng cho biết tình hình huy động vốn tư nhân vào các trụ cột kinh tế như phát triển hạ tầng cơ sở, khu kinh tế dọc hành lang tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc và kết nối tiểu vùng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp sạch… cũng chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, khả năng thu ngân sách của Lào trong 5 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ đạt 27% kế hoạch năm, giảm 11% so với cùng kỳ, mức chi ngân sách cho các dự án đầu tư công chưa thực hiện đúng kế hoạch mà Quốc hội đề ra. Đồng thời, thâm hụt ngân sách nhà nước cũng tăng gần gấp đôi trong bối cảnh từ áp lực nợ công và nợ dự án vẫn ở mức cao, thách thức khả năng tìm kiếm nguồn vốn mới để bù đắp lại.
Về lĩnh vực tiền tệ, Lào cũng gặp thách thức lớn bởi tỷ lệ lạm phát tăng cao, đồng nội tệ tiếp tục trượt giá và khả năng thanh khoản yếu, đồng thời, việc cung cấp tín dụng từ nguồn ngân sách và vốn vay nước ngoài để phát triển khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ cũng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch.
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác trọng tâm nửa cuối năm 2020, Lào sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa thương phẩm, phục hồi ngành dịch vụ và du lịch nhằm nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra ban đầu.
Chính phủ Lào sẽ khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhằm đủ cung ứng cho thị trường nội địa, tăng cường quản lý, điều tiết giá cả các nhóm hàng tiêu dùng có tính thiết yếu trên thị trường, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, từng bước dư thừa sản phẩm để xuất khẩu. Đồng thời, tập trung quy hoạch các vùng nông nghiệp theo tiềm năng, khuyến khích sản xuất theo mô hình cụm và hợp tác xã.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc tạo khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tiếp tục triển khai các chính sách sẵn có và nghiên cứu áp dụng các biện pháp mới để kích cầu du lịch, đặc biệt là kế hoạch “Lào du lịch Lào”, thu hút người dân du lịch nội địa nhiều hơn cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đón lượng khách quốc tế sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Lào cũng sẽ tiếp tục củng cố dịch vụ vận tải hàng hóa, giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu, tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới. Đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư phát triển cảng cạn đã phê duyệt trước đó.
Chính phủ cũng cho biết sẽ triển khai các biện pháp tài khóa để tăng dự trữ ngân sách ít nhất 20% so với năm ngoái, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, giữ biên độ biến động tỷ giá quy đổi LAK với USD ở mức 5%, duy trì dự trữ ngoại hối tối thiểu 3 tháng nhập khẩu, thúc đẩy số dư tiền gửi tại ngân hàng thương mại ở mức 58.43% GDP và tổng tín dụng ở mức 49.56% GDP, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức không quá 3%.
Tổng hợp