Lào có diện tích 236 nghìn km2, dân số hơn 6 triệu người. Đây là quốc gia duy nhất trong số 11 nước ở Đông Nam Á không giáp biển.
Theo World Atlas, Lào có lãnh thổ tiếp giáp Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Lào nổi tiếng với những cánh đồng chum. Theo các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Australia, những chiếc chum đá khổng lồ ở Lào đều có hơn 1.000 năm tuổi. Chum đá từng được sử dụng để chôn cất người chết trong quá khứ.
Cao nguyên Xiangkhouang (Xiêng Khoảng) là địa danh có nhiều chum đá nhất. Nơi đây chứa hàng nghìn chum cổ nằm rải rác trên nhiều vùng của cao nguyên.
Theo sách giáo khoa Lịch sử, trong quá khứ, Lào còn được biết đến với biệt hiệu xứ sở của đất nước triệu voi. Quốc gia này có nguồn gốc lịch sử từ Vương quốc Lan Xang, được thành lập năm 1354 bởi Phà Ngùm. Lan Xang có nghĩa là Vạn Tượng. Vì vậy, Lào được gọi là đất nước Vạn Tượng hay đất nước triệu voi.
Pha That Luong được xem như biểu tượng, đồng thời là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất tại Lào, biểu tượng văn hóa tiêu biểu cho sáng tạo của người Lào, được xây dựng vào năm 1566. Hình ảnh ngôi chùa được in trên tiền và quốc huy của Lào. Lễ hội That Luang diễn ra ngày sát rằm tháng 12 Phật lịch, kéo dài một tuần và kết thúc đúng ngày rằm của tháng.
Với hơn 65% dân số theo Phật giáo, đây là tôn giáo có ảnh hưởng văn hoá, ngôn ngữ trong chùa, mỹ thuật, văn học, nghệ thuật trình diễn.
Trong thời trung đại, Lào từng bị Xiêm La (Thái Lan) xâm chiếm. Cuối thế kỷ 19, Lào bị biến thành thuộc địa của thực dân Pháp. Sau năm 1954, Lào tiếp tục bị đế quốc Mỹ xâm lược.
Theo Zing