Ngân sách cho các dự án đầu tư công tại Lào sẽ bị cắt giảm trong năm 2021 để Chính phủ đảm bảo duy trì thanh khoản tài chính.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Sonexay Siphandone nói trước Quốc hội mới đây rằng “Chính phủ sẽ chỉ xem xét thông qua các dự án đầu tư bằng ngân sách vì tính cấp thiết và phù hợp, để tránh các khoản nợ không thể quản lý được”.
Ông Sonexay cũng nhấn mạnh các dự án công mới phải liên quan đến xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển tay nghề lao động, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, và phát triển hàng hóa nông sản thương mại.
Các dự án không cần thiết cần bị hạn chế để “giảm nguy cơ tạo ra nợ kinh niên” và giảm bớt căng thẳng tài chính cho chính phủ Lào.
“Trong vòng 5 năm tới, ngân sách phân bổ cho các dự án công sẽ chỉ tăng “rất hạn chế”, khoảng 10-15%, Phó Thủ tướng Lào nói.
Năm 2020, Chính phủ Lào đã giải ngân khoảng 3.9 nghìn tỷ Kip cho các dự án công, trong đó bao gồm 2 nghìn tỷ Kip từ nguồn vốn đầu tư thường xuyên. Nhưng kể từ năm tiếp theo, nguồn vốn đầu tư thường xuyên sẽ giảm xuống 1.3 nghìn tỷ Kip, 700 tỷ Kip của năm tài khóa 2020 cũng sẽ được chuyển giải ngân trong năm 2021.
Phó Thủ tướng Lào cũng cho biết các dự án công sẽ đảm bảo trải qua quá trình đấu thầu trước khi ký hợp đồng, Chính phủ cũng đang tập trung đình chỉ các dự án trái phép và không thiết yếu nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế.
Trong bối cảnh nợ kinh niên và căng thẳng ngân sách, Chính phủ Lào đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho công tác quản lý hành chính, đầu tư dự án công, tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã trì hoãn khả năng thu ngân sách và gây ra áp lực lên khả năng trả nợ của nước này.
Chính phủ Lào dự báo kinh tế năm 2020 sẽ tăng trưởng thấp, ở mức 3.3%, đồng thời cho biết sẽ không vay nước ngoài để giải quyết thâm hụt, các khoản vay chỉ để “trả nợ gốc”, cho các khoản nợ nước ngoài khác, chuẩn bị đáo hạn.
Tổng hợp