Mỗi năm, Lào cấp hạn ngạch cho hàng chục nghìn lao động nước ngoài làm việc tại nước này.
Ngày 15/10 vừa qua, Cục trưởng Cục Phát triển tay nghề lao động thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, bà Anousone Khamsingsavath vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Giám đốc Công ty Epapa, ông Souksakhone Saithilath về thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống cấp thẻ lao động điện tử cho người nước ngoài tại Lào (Smart Card), chứng kiến buổi lễ ký kết có Bộ trưởng Khampheng Xaysompheng cùng các lãnh đạo ban ngành chức năng có liên quan.
Theo đó, sau khi MOU có hiệu lực, hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc phát triển dự án nói trên trong vòng 12 tháng và có thể gia hạn thêm 12 tháng.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Anousone cho biết mỗi năm, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào phê duyệt hạn ngạch với số lượng khá lớn cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lao động nước ngoài để làm việc trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất và dịch vụ.
Năm 2019, Lào cấp hạn ngạch (Quota) cho 65.000 lao động nước ngoài, trong khi con số trong năm 2020 là 60.000 người.
Sở Lao động cấp thành phố, tỉnh là cơ quan được phân quyền để phê duyệt và cấp Quota lao động, cũng như cấp thẻ lao động cho người nước ngoài làm việc tại địa phương, bà Anousone nói thêm.
Quá trình nghiên cứu khả thi cho dự án bao gồm việc khảo sát, thu thập thông tin lao động từ các cơ quan quản lý lao động và tổ chức môi giới việc làm trên cả nước để tạo cơ sở dữ liệu cho việc hoạch định cơ chế hoạt động của hệ thống cấp thẻ lao động điện tử (Smart Card) trong thời gian tới.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý lao động của chính phủ Lào, hồi tháng 12 vừa qua, Viện Điện tử-Công nghệ máy tính (TCEI) và Posco International và Pantagate -công ty có trụ sở tại Hàn Quốc chuyên về các giải pháp CNTT đã ký kết một biên bản ghi nhớ về thỏa thuận về ứng dụng big data trong việc quản lý lao động tại Lào.
Hai tổ chức đến từ Hàn Quốc sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý số lượng lao động nước ngoài tại Lào cũng như lao động Lào tại nước ngoài trong mọi ngành nghề, thông tin tại dự án cho biết.
Động thái này là sự đón đầu của Lào trước khả năng dòng lao động di cư lớn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ đến Lào sau khi các dự án lớn như đường sắt cao tốc hoàn thành.
Tổng hợp