Lào cam kết sẽ hành động tích cực và áp dụng nhiều quy định pháp luật để khuyến khích và nâng cao nhận thức về an toàn và sức khỏe người lao động trong nước.
Phát biểu tại một chương trình tập huấn ngắn hạn về nâng cao nhận thức an toàn và sức khỏe lao động nội địa diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục quản lý lao động, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, ông Phongxaysack Inthalath khẳng định đã đến thời điểm Lào cần nghiêm túc trong các hành động thúc đẩy an toàn lao động.
Một trong những chìa khóa quan trọng và thiết yếu nhất là thúc đẩy thực hiện các luật, cơ chế pháp lý hiện hành có liên quan đến an toàn và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, ông Phongxaysack nói, bởi người lao động Lào phần lớn đang xem nhẹ việc sử dụng thiết bị an toàn.
Mặc dù đánh giá cao hành động khuyến khích an toàn lao động của doanh nghiệp trong nước, nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành để cải thiện ý thức an toàn cho người lao động, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quy định về an toàn lao động tại nơi làm việc.
Hiện tại, Lào cũng đang nỗ lực cải thiện chất lượng an toàn lao động để bổ sung vào các văn kiện quan trọng, thuộc khuôn khổ thỏa thuận thương mại với WHO, với nội dung liên hệ giữa lĩnh vực kinh doanh và an toàn lao động.
Theo đó, chương trình tập huấn ngắn hạn, kéo dài từ 26-28/8 có sự tham dự của 20 học viên, bao gồm quản lý và cán bộ phụ trách vấn đề sức khỏe và an toàn lao động tại các nhà máy dệt may tại Lào. Chương trình được tổ chức bởi Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào (LNCCI), Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, Liên hiệp Công đoàn Lào, Hiệp hội Công nghiệp may mặc Lào (ALGI) và được tài trợ bởi Tổ chức lao động quôc tế ILO.
Khóa tập huấn diễn ra với mục đích cung cấp kiến thức cơ bản về vai trò của bộ phận quản lý an toàn và sức khỏe lao động trong môi trường làm việc, bao gồm cả các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Trong đó, bao gồm việc phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về hóa chất, cơ khí có liên quan đến an toàn và sức khỏe lao động.
Lào là quốc gia có tỷ lệ lao động trẻ, hầu hết lao động tại Lào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
Tổng hợp
“Tận dụng cơ hội dịch Covid-19 để hạn chế lao động nước ngoài vào Lào”