Theo các nhà nghiên cứu, Lào có nguy cơ tồn tại các dòng tài chính bất hợp pháp (IFF), nhưng lại chưa thể phát hiện những bằng chứng rõ ràng để phục vụ cho việc điều tra các mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.
Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào (NIER) hôm 19/8 vừa công bố kết quả báo cáo nghiên cứu về các nguồn tài chính bất hợp pháp tại nước này, nhằm chỉ rõ một số thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh tài nguyên thiên nhiên có dấu hiệu sai phạm.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng bị thiệt hại nguồn thu lớn do các dòng tài chính bất hợp pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tăng trưởng kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Viện trưởng Sathabandith Insisiengmay của NIER, trong cuộc họp công bố nghiên cứu, đã nêu bật vấn đề tài chính bất hợp pháp tại các quốc gia đang phát triển, cho thấy nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực sự của mỗi nước.
Theo đó, các quốc gia đang phát triển, chịu thiệt hại 160 tỷ USD mỗi năm do định giá và báo giá sai, trong khi các dòng tiền bất hợp pháp tại châu Phi trong giai đoạn 1980-2018 được ước tính có giá trị lên đến 1.3 nghìn tỷ USD.
Theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), tham nhũng và các dòng tài chính bất hợp pháp là một trong các cản trở đối với sự phát triển của Lào, tổ chức này cho biết quốc gia không giáp biển này nằm trong nhóm 20 nước chậm phát triển nhưng có dòng tài chính bất hợp pháp cao nhất, ước tính lên đến 14.42% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP).
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nội địa của Lào chỉ chiếm khoảng 14.3% trong năm 2018, trong khi Campuchia đạt 19.9% và Thái Lan đạt 19.5%.
Các nguồn tài chính để giúp Lào duy trì nhịp phát triển bao gồm tài nguyên tự nhiên, xuất khẩu hàng hóa, dòng vốn FDI và thu ngân sách.
Bất chấp các nỗ lực củng cố ngành thuế để cải thiện thu ngân sách, có nhiều bằng chứng thực tế cho thấy rủi ro tiêu cực đến lĩnh vực này bởi các dòng tài chính bất hợp pháp,
Vì vậy, NIER cho biết nghiên cứu để nhận biết sự tồn tại của dòng tài chính bất hợp pháp sẽ hỗ trợ các ứng phó cần thiết. Trong khi nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cà phê và khai thác đồng với các bằng chứng định giá sai sẽ làm rõ thêm các nguy cơ tài chính bất hợp pháp tại Lào.
Tập trung vào 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, dựa trên cơ sở các báo cáo thương mại trong giai đoạn 2012-2017 bao gồm đồng ca tốt, đồng tinh luyện hoặc quặng động và cà phê cho thấy Lào mất khoảng 3.1 triệu USD từ việc định giá sai cà phê xuất khẩu, vốn phải chịu thuế lợi nhuận.
Theo đó, giá trên mỗi hóa đơn xuất khẩu cà phê được xác định là thấp hơn so với mặt bằng thị trường trong giai đoạn thực hiện nghiên cứu. Do việc định giá sai giá trị cà phê, chính phủ Lào đã mất đi nguồn thu ngân sách đáng kể khi doanh nghiệp báo cáo doanh thu thấp hơn so với thực tế từ việc xuất khẩu, nhằm tránh phải nộp thuế.
Trong vài năm qua, Lào đang quan tâm đến việc truy dấu các dòng tài chính bất hợp pháp, vốn được xem là yếu tố làm giảm động lực nội địa và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia, nhằm phục vụ cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo đối với nước đang phát triển như Lào.
Tổng hợp