Truyền hình vệ tinh (LAOSAT) đạt nhiều thỏa thuận với các ban, ngành Lào để tiếp phát và phổ biến các chương trình truyền hình nước này.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc dẫn tin từ Công ty TNHH Vệ tinh Châu Á Thái Bình Dương Lào (LAOSAT) cho biết, sau khi dịch covid 19 bùng phát tại Lào, từ tháng 3/2020 Chính phủ Lào đã lần lượt ban hành nhiều biện pháp kiểm soát dịch trong đó có việc yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học tại Lào. Đến nay, mặc dù nguy cơ lây lan của dịch không còn thực sự rõ ràng tuy nhiên các trường học trong cả nước vẫn chưa được mở cửa trở lại.
Vì vậy, dịch Covid 19 thực sự đã đặt ra thách thức đối với giáo dục Lào trong việc làm thế nào để cấp học không bị gián đoạn, Chính phủ Lào đã kêu gọi các trường trong cả nước triển khai học tập trực tuyến, để học sinh có thể học tập tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Thể thao Lào khẩn trương xây dựng không gian học tập trực tuyến, cung cấp điều kiện học tập lý tưởng cho phần đông học sinh.
LAOSAT đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào xây dựng môi trường học tập mới, chỉ 2 ngày sau khi có chỉ thị giãn cách xã hội đã cùng cơ quan này đưa ra phương án giáo dục trực tuyến phù hợp với tình hình của Lào, với mô hình thống nhất ba giải pháp gồm Kênh truyền hình vệ tinh + phát trực tuyến internet + phát trực tuyến qua ứng dụng di động, tăng khả năng bao quát, đáp ứng điều kiện khả năng tiếp cận khác nhau của học sinh. Đồng thời, thông qua các kênh này để triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực kinh nghiệm giảng dạy cho giáo viên, nâng cao trình độ giáo dục của Lào.
Với sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Thể thao, Bộ Bưu chính Viễn thông Lào, bất chấp việc giáo dục trực tuyến Lào mới ra đời, điều kiện áp dụng giáo dục trực tuyến còn hạn chế, nhu cầu giáo dục trực tuyến phát sinh cấp thiết trong bối cảnh dịch covid 19, LAOSAT đã nỗ lực vượt qua các khó khăn như áp lực về thời gian, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề, tài nguyên hạn chế vv… khẩn trương bố trí tăng ca làm việc, đồng thời nhiều lần tổ chức làm việc lấy ý kiến của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Đến ngày 9/5 đã chính thức phát sóng kênh giáo dục đào tạo của Lào thông qua Vệ tinh Lào – 01, trước mắt đã bắt đầu phục vụ việc học tập từ xa cho phần lớn học sinh của Lào. Ngoài ra, cuối tháng 3 LAOSAT cũng hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động thử nghiệm website song ngữ Lào – Anh về đào tạo trực tuyến cho Lào, ứng dụng di động phát trực tiếp các chương trình giáo dục của Lào cũng đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt thị trường Lào trong thời gian tới đây.
Cũng liên quan đến vấn đề này, hôm 15/5 vừa qua, LAOSAT cũng đã ký kết thành công với Tổng Cục chính trị, Bộ Quốc phòng Lào về việc tiếp-phát sóng chương trình truyền hình Quốc phòng thông qua vệ tinh. Buổi lễ đã diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo chính phủ Lào, đặc biệt là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Chansamone Chanyalath, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Lào Thansamai Kommasith và đại diện các ban ngành liên quan.
Việc phát sóng truyền hình quân đội thông qua vệ tinh LAOSAT được mô tả là nhằm “Đáp ứng nhu cầu của công tác tuyên huấn, thông tin trong lực lượng quốc phòng ở thời kỳ mới, trên cơ sở củng cố và xây dựng ngành quốc phòng vững mạnh, toán diện, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước”
Truyền hình quốc phòng Lào được thành lập từ năm 1996, sản xuất các chương trình của lực lượng quân đội và phát sóng qua các kênh truyền hình quốc gia, truyền hình an ninh với tần suất 30 phút/ngày. Đến nay, Bộ Quốc phòng Lào cũng vừa mới xây dựng xong trụ sở đài truyền hình riêng.
LAOSAT là công ty liên doanh giữa Chính phủ Lào và Công ty tên lửa Trường Chinh Trung Quốc, là công ty con của Tập đoàn khoa học kỹ thuật hàng không Trung Quốc (China Aerospace Science And Technology Corporation), với số vốn đăng ký 15 triệu USD trong đó 45% vốn của Chính phủ Lào, thành lập ngày 25/2/2016 lĩnh vực hoạt động gồm kinh doanh viễn thông, truyền hình vệ tinh, băng thông di động vv.. LAOSAT hiện đang vận hành khai thác vệ tinh Lao SAT 1 được ra mắt vào ngày 2/11/2015 và chính thức hoạt động vào tháng 3/2016. Được phóng lên quỹ đạo Trái đất bằng tên lửa LM-3B từ bãi phóng Tây Xương, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vệ tinh này được trang bị 22 bộ phát đáp bao gồm 14 băng C và 8 băng Ku, cung cấp các dịch vụ tiếp phát sóng, viễn thông vệ tinh, internet, truyền hình vệ tinh và cứu hộ khẩn cấp. Theo cơ quan quản lý, dự án Lao SAT 1 có tổng giá trị đầu tư 259 triệu USD và có tuổi thọ hoạt động khoảng 15 năm.
Tổng hợp