Mặc dù nguồn lực đang được đánh giá là phong phú và giàu tiềm năng, ngành khai khoáng của Lào đang ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại sau khi chính phủ ban hành pháp lệnh tạm dừng các hoạt động khai thác mới vào năm 2016.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đã giảm trong giai đoạn 2016-2020, xuống thấp hơn 18% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Báo Vientiane Times dẫn thông tin từ cơ quan chức năng ngành mỏ cho biết trong năm 2019, đã có 193 giấy phép khai thác khoáng sản mới được cấp, trong đó bao gồm 69 dự án khảo sát và thăm dò, 43 doanh nghiệp được phép tiến hành nghiên cứu khả thi và 81 đơn vị khác được phép thực hiện hoạt động khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng đơn vị khai thác khoáng sản giảm, dẫn đến việc sản lượng quặng giảm và khả năng xuất khẩu cũng theo đà tương tự.
Với việc giảm sức phát triển so với giai đoạn trước, ngành khai khoáng Lào vẫn đóng góp cho nhà nước 734 triệu USD trong 5 năm qua, bao gồm các khoản thuế, phí tô nhượng, cho thuê…
Năm 2016, Lào quyết định đình chỉ các hoạt động khai thác mới trong bối cảnh giá bán khoáng sản trên thị trường thế giới giảm mạnh. Nhiều đơn vị được cấp phép tô nhượng đã không tích cực hoạt động, một số trường hợp khác bị phát hiện vi phạm quy định về bảo vệ môi trường hoặc không tuân thủ các quy định của nhà nước. Tháng 5/2017, chính phủ Lào loại bỏ 15 dự án khoáng sản do đơn vị chủ quản không chứng minh được tính khả thi hoặc tiến bộ trong việc thực hiện dự án đã đề xuất.
Lào vẫn đang nằm trong nhóm quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản hàng đầu Châu Á, viện Kinh tế và Phát triển Lào cho biết hiện nước này có hơn 570 mỏ khoáng sản đã được xác định, trong đó chủ yếu là đồng, kẽm, chì. Tài nguyên của Lào cũng được xuất khẩu đi ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Ngành khai khoáng Lào trong nhiều năm cũng đứng trước hoài nghi về tính cân bằng giữa sản lượng khai thác được-nhu cầu của thị trường-lợi ích đem lại cho đất nước.
Tổng hợp