Giá trị xuất khẩu khoáng sản và thu nhập trong nước tăng trong quý đầu tiên của năm 2019 bất chấp việc giá khoáng sản trên thị trường thế giới giảm.
Theo Vientiane Times, doanh thu từ khoáng sản trong nước của Lào năm 2018 đạt 66.2 triệu USD, tăng 38.79% so với cùng kỳ, bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 1.439 tỷ USD, tăng 8.2%.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, trong quý đầu tiên của năm 2019, doanh thu từ tiêu thụ khoáng sản của Lào tăng đến 43% so với cùng kỳ, đồng thời đạt 25% chỉ tiêu năm. Bên cạnh đó, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 433 triệu USD, tăng 10.24% so với cùng kỳ, chiếm 24.32% kế hoạch năm. Tài nguyên khoáng sản chủ yếu của Lào bao gồm vàng, đồng, kali, bạc, than non, kim loại và đá vôi.
Về ngành khai khoáng của Lào, Chính phủ nước này hiện đã phê duyệt đầu tư cho tổng cộng 281 đơn vị, trong đó có 110 công ty đang thực hiện thăm dò và 171 công ty đang trong quá trình khai thác, sản xuất. Tổng giá trị sản lượng trong năm 2018 của Lào được ghi nhận là 11.509 tỷ Kíp, tăng 7.5% so với 2017.
Nguồn thu của Lào trong việc bán khoáng sản bị ảnh hưởng tương đối do giá cả thị trường thế giới giảm đáng kể trong năm 2016-2017 khiến tăng trưởng ngành này giảm 4.3% trong năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, cùng với điện lực, khoáng sản đang là một trong hai trụ cột của Kinh tế Lào. Trước khi tăng trưởng âm vào năm 2017, ngành khoáng sản Lào đã có thời gian phát triển 14 năm liên tục, kể từ năm 2003, đem lại trung bình 150 triệu USD cho ngân sách nước này mỗi năm. Năm 2012, ngành khoáng sản chiếm 7% GDP, 12% thu ngân sách và 10% GNI. Trong đó có 80% đầu tư đến từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ngoài tiềm năng phát triển to lớn, những rủi ro môi trường vẫn là thách thức đối với Chính phủ Lào. Nhiều dự án nghiên cứu khả thi cũng như một số dự án tô nhượng đang trong quá trình triển khai đã bị rút giấy phép do gây hại đến chất lượng môi trường, Vientiane Times cho biết.
Theo Vientiane Times