Trong chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Lào khóa IX ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ. Trong đó, các đại biểu đã đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến việc phát triển kinh tế – xã hội đất nước, như: Giáo dục, hoạt động đầu tư của các dự án, y tế, quản lý, bảo dưỡng các tuyến đường quốc lộ, cải cách doanh nghiệp…
Tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, Trung tướng Saichay Kommasith – Đại biểu Quốc hội khu vực bầu cử số 5 tỉnh Bokeo đề cập đến việc thu ngân sách từ các dự án khoáng sản. Ông cho rằng, hiện nay các ban, ngành liên quan cấp Trung ương và địa phương đã phê duyệt cho hơn 1.000 công ty đầu tư khảo sát và chế biến khoáng sản với hơn 1.200 hoạt động, nhưng khi rà soát và kiểm tra việc thu ngân sách từ các bộ phận liên quan nhận thấy kết quả chưa tương xứng, thu ngân sách giảm xuống so với năm 2023. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo và đính chính lại về số lượng 1.000 dự án đã tạm dừng và thu hồi theo báo cáo của Chính phủ.
Đối với tình trạng xe nhập lậu, ông cho biết hiện 5 tỉnh phía Bắc có hơn 5.800 chiếc, do vậy đề nghị Chính phủ khẩn trương phối hợp với các tỉnh để xuống tận địa phương xem xét tình hình thực tế và giải quyết kịp thời, đúng quy trình. Một số dự án xây dựng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam, đặc biệt là tỉnh Bokeo, do thiếu ngân sách đầu tư nên việc thi công tạo ra rất nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề gây lở đất, nhất là vào mùa mưa, gây hư hỏng nhà cửa của người dân và nhiều tuyến đường dọc bờ sông cũng bị hư hỏng nặng.
Ông Volasith Sivongdao, Đại biểu Quốc hội khu vực bầu cử số 13 tỉnh Savannakhet cho rằng: Qua việc đẩy mạnh, giám sát công tác giáo dục, có thể thấy hiện nay ngành giáo dục đang tồn tại nhiều vấn đề rất đáng lo ngại, như chất lượng giáo dục còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học đi làm kiếm thêm thu nhập xảy ra phổ biến (khu vực nông thôn học sinh bỏ học từ cấp tiểu học, khu vực thành thị học sinh bỏ học từ cấp THCS). Ông cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục thấp, trước hết là do không đủ giáo viên, cũng như cơ sở hạ tầng dạy học và chính sách khích lệ phù hợp hạn chế. Đối với tỉnh Savannakhet, có hơn 2.000 ngôi trường mầm non, tiểu học và THCS với 8.000 giáo viên, trong đó có 1.600 giáo viên tình nguyện, trung bình sẽ có 4 giáo viên/trường. Mặt khác, chương trình giáo dục mới này cũng là một vấn đề bất cập, vì ở khu vực nông thôn không có nhà trẻ, không có trường dự bị, không học phụ âm, không như các trường học ở thành thị. Một nguyên nhân khác nữa là do kinh tế của các gia đình gặp nhiều khó khăn nên không có nhiều điều kiện để cho con đi học. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Volasith Sivongdao đề xuất cần bổ sung đầy đủ giáo viên cho các trường học, ít nhất một lớp phải có 1 giáo viên phụ trách; đồng thời Chính phủ cần cung cấp thêm ngân sách, rà soát lại chương trình giáo dục hoặc tìm một giải pháp mới hiệu quả để cải thiện ngành giáo dục vững mạnh hơn.
Đại biểu Khamsen Silavong thuộc khu vực bầu cử số 9 tỉnh Xiangkhoang cho rằng vấn đề giáo dục đang có dấu hiệu giảm sút trong những năm qua. Do vậy, đề nghị cần có giải pháp đầu tư giáo dục hiệu quả, cải thiện ngành giáo dục sánh ngang với các nước khác trong khu vực ASEAN, đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa.
Tổng hợp