Thủy điện Nậm Mô 2 và thành phố thông minh Amata là các dự án vấp phải phản đối của người dân Lào.
Theo Phó chủ tịch TƯ mặt trận Lào, bà Khamchanh Phomsengsavanh, Chính phủ Lào nên thắt chặt quản lý và thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thủy điện và khai thác khoáng sản, bao gồm cả dự án đã hoặc đang trong quá trình xem xét cấp phép.
“Quyết định dừng cấp phép cho các dự án thủy điện cỡ nhỏ, dưới 15MW rất đáng hoan nghênh”, ngoài ra, Chính phủ nên chú trọng thêm đến công tác thẩm định dự án của cán bộ chuyên trách, bà Khamchan nhấn mạnh.
“Người dân hiện tại đang phản đối dự án thủy điện Nậm Mô 2 tại Xiêng Khoảng và dự án thành phố thông minh Amata tại Oudomxay”, lãnh đạo TƯ Mặt trận Lào nói trước Quốc hội.
Có nhiều lý do dẫn đến sự phản đối, Chính quyền và nhà đầu tư nên cung cấp thêm nhiều thông tin rõ ràng hơn, để người dân hiểu được ý nghĩa của các dự án này, bà Khamchan nói
Trước đó, thành phố thông minh Amata Smart Eco là dự án được thực hiện bởi tập đoàn Amata, Thái Lan tại vùng đất nghèo thuộc tỉnh Udomxay trên cơ sở bật đèn xanh của Chính phủ Lào, hứa hẹn nhiều lợi ích về giao thông, công nghiệp, thương mại nhưng sau giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, tập đoàn có nhiều dự án tại Đông Nam Á này lại chưa cho thấy lợi ích mà người dân địa phương sẽ được hưởng.
Bên cạnh đó, dự án thủy điện Nậm Mô 2 là một trong những dự án đầu tư lớn của Việt Nam tại Lào, công trình tại tỉnh Xiêng Khoảng có công suất phát điện 120MW, tổng giá trị đầu tư hơn 225 triệu USD. Công trình này đã hoàn thành và chuẩn bị phát điện bán cho Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tăng cường phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương để hỗ trợ người dân giảm thiểu tác động từ các dự án đầu tư. “Một số làng bản, hộ gia đình phải di dời nhiều lần do các dự án hạ tầng đường sắt, cao tốc và lưới điện”, bà Khamchan kết thúc.
Theo Vientiane Times