Bẫy cá Li là di sản tồn tại và được truyền lại qua nhiều đời các gia đình ngư dân tại vùng sóng nước Siphandone, đây được xem là phương tiện kiếm sống chính của người dân nơi đây.
Đến với bốn ngàn đảo Siphandone, phía Nam tỉnh Champasak, người ta dẽ dàng choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, nơi dòng Mekong chảy cuộn qua những con thác, ghềnh lớn, ẩn hiện trên đó là hình dáng những người dân nhỏ bé khéo léo lèo lái con thuyền qua những ghềnh đá chênh vênh để kiểm tra bẫy cá, vừa là nguồn sống và cũng là nét văn hoá độc đáo nhất của vùng đất Khong xinh đẹp. Tuy nhiên, đến nay hình ảnh đó không còn dễ thấy như xưa, nơi vốn đặt những bẫy cá được đánh đổi để tìm đường di cư ngược dòng của đàn cá khổng lồ trên dòng Mekong, vì con đường di cư cũ, nay đã được án ngữ bởi dự án phát triển điện lực.
Tiếp xúc và trải nghiệm cuộc sống ở huyện Khong, bất cứ ai cũng có thể kinh ngạc về kiến thức về cuộc sống của người dân nơi đây, đặc biệt là qua sự phát triển của các hoạt động đánh bắt truyền thống, người dân địa phương đã tạo ra các loại bẫy khác nhau đối với các khu vực nhất định của sông cũng như các thời điểm khác nhau trong năm. Những công cụ này cũng đã được phát triển và thích nghi qua các thế hệ để trở thành một tài sản mang cả hơi thở văn hoá. Nổi bật trong đó là bẫy Li, chỉ tồn tại duy nhất tại đây, tại Siphandone hùng vĩ.
Bẫy Li đã được sử dụng ở Siphandone trong nhiều thập kỷ vào ít tuần của đỉnh điểm mùa mưa, thời điểm mực nước dâng ngập các hệ thống bẫy nhắm đến các đàn cá di cư ngược dòng Mekong để tìm nơi sinh sản. Đối với các gia đình ngư dân sở hữu bẫy Li, đây thường là nguồn sinh kế hàng năm của họ. Các bẫy được đặt trong các ghềnh và dọc theo các kênh trong Siphandone. Về cách thức hoạt động, những đàn cá di cư ngược dòng nước mạnh nhưng không thể vượt qua và bị cuốn ngược về hạ lưu, từ đó chảy vào các bẫy đã được đặt sẵn. Các bẫy có thể dài đến ba đến năm mét và có hàng rào để dẫn cá nổi lên khỏi mặt nước.
Theo các nghiên cứu vào năm 2006 cho thấy, có khoảng 600 bẫy Li có kích cỡ khác nhau trên khắp Siphandone. Tuy nhiên, kể từ khi kế hoạch xây dựng đập Don Sahong ở Siphandone bắt đầu, bẫy Li đã bị Chính quyền yêu cầu gỡ bỏ vì được xem là tác nhân chính của việc ngăn cản dòng di cư của cá. Lệnh cấm chính thức có hiệu lực từ sau Tết Lào năm 2017.
Lệnh cấm liên quan đến một dự án phát triển của nhà nước, công trình thuỷ điện Don Sahong, dự án 260MW ở quy mô trung bình nhưng lại nằm ở vị trí ” đắc địa ” chắn ngang dòng Hou Sahong, đường di cư chính của cá sông Mekong vào mùa mưa, việc xây dựng đập chắn tạo ra rất nhiều quan ngại từ các quốc gia hạ nguồn sông Mekong là Việt Nam và Campuchia với lý do Lào chưa đánh giá đúng mực về tác động, ảnh hưởng đến sinh kế người dân địa phương, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lệnh cấm sử dụng bẫy Li với lý do đánh bắt quá mức cá vào mùa mưa là một phần của chương trình cải tạo các dòng chảy lân cận Housahong của Lào để dọn đường cho cá di chuyển. Đây là một phần của việc tổ chức thực hiện bộ Luật thuỷ sản mà Lào ban hành năm 2009.
Theo Internationalriver, “các bẫy cá trái phép” là lời buộc tội làm tổn thương nhiều gia đình vốn sống qua nhiều thế hệ bằng việc sử dụng bẫy Li, phương tiện sinh kế chính của họ. Việc Chính phủ Lào mang một phần tập quán sinh sống của người dân để giải thích cho việc phát triển dự án thuỷ điện cấp quốc gia đã khiến nhiều người cho rằng thiếu hợp lý.
Bẫy Li là một phần truyền thống của các gia đình ở Siphandone, được truyền qua nhiều thế hệ. Bản thân việc thiết kế và sử dụng các bẫy này chứa đựng bề dày kiến thức, sự am hiểu của con người về dòng Mekong, đồng thời còn là biểu tượng của sự kết nối của con người với sông. Ngoài ra, một quy ước bất thành văn là các bẫy cũng được sử dụng với vai trò phân định khu vực đánh bắt thuộc về mỗi gia đình, những khu vực này, được xem là tài sản, cũng được truyền qua các thế hệ. Việc mất các khu đánh bắt này và bản thân các bẫy đã không được đưa vào quy hoạch xây dựng đập Don Sahong ngay từ đầu.
Vì được xem là trái phép, các bẫy dọc theo Hou Sahong và các kênh lân cận của Hou Xangphuek và Hou Sadam bị dỡ bỏ mà không có hỗ trợ nào cho người dân. Một năm rưỡi sau khi bắt đầu xây dựng đập Don Sahong, các vựa cá cho biết việc đánh bắt cá giảm đáng kể so với những năm trước, thậm chí lên đến hơn một nửa, do Lệnh cấm bẫy Li. Vì vậy giá cá đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, theo góc độ của Chính quyền, trang thông tấn xã của Lào đã có một phóng sự về dự án phát triển đập Don Sahong vào tháng 7/2017, khi lệnh dỡ bỏ bẫy cá Li đã được thực thi. Theo đó, trả lời phỏng vấn báo chí, người dân bản Hangsakham, huyện Khong cho biết, dự án thuỷ điện Don Sahong không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến đời sống người dân địa phương, trái lại, nó mang lại công việc và thu nhập tốt cho lao động tại đây, hạ tầng địa phương cũng được cải thiện đáng kể, từ đó khiến đời sống cải thiện hơn trước, việc đánh bắt cá diễn ra vẫn bình thường và lượng cá tại huyện Khong vẫn được cung cấp cho chợ cá Daoheuang.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì thừa nhận giá trị của lịch sử và sự phong phú của kiến thức địa phương trong các hoạt động đánh bắt và sinh kế, các nhà phát triển dự án đã coi nghề cá đã cản trở sự phát triển, ngược lại với các chỉ trích về dự án hủy hoại nghề cá truyền thống, không cho rằng tác động sâu sắc của đập Don Sahong đối với nghề cá Mekong là quan trọng.
Theo nội dung dự án thủy điện Don Sahong mà Lào gửi lên Ủy hội Mekong để thực hiện quá trình tham vấn trước, Don Sahong là dự án thủy điện trên dòng sông chính của sông Mê Kông có vị trí thuộc huyện Khong tỉnh Champasak thuộc khu vực phía Nam Lào, cách biên giới Lào-Campuchia vài km. Dự án lợi dụng khu vực thác tự nhiên cao 20 m chảy vào sông Mê Kông. Tổng cột nước tĩnh trong khu vực dao động từ 13m -21m tùy thuộc vào sự thay đổi dòng chảy theo mùa và các thay đổi tương đối về độ sâu dòng chảy của các thác ở hạ lưu và thượng lưu. Tại khu vực này, sông Mê Kông gồm khoảng 7 nhánh chính và nhiều nhánh phụ.
Dự án Don Sahong được đặt tại nhánh Hou Sahong dài 5 km, chạy song song và cách nhánh Phapheng 2 km về phía tây. Dự án thủy điện Don Sahong bao gồm một nhà máy công suất lắp 260MW (4 tuốc-bin 65 MW). Hai đập phụ chạy dọc hai đảo Don Sadam and Don Sahong tạo thành hồ chứa nhỏ. Điện sản xuất sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia từ trạm biến áp 230kV đặt gần nhà máy qua đường dây truyền tải 2 mạch chạy về hướng bắc đến trạm phát điện thứ cấp Ban Hat cách nhà máy 20 km. Do lòng dẫn phía thượng lưu Hou Sahong hẹp, hạn chế dòng chảy đổ vào nhánh sông trong thời kỳ kiệt, để cải thiện dòng chảy trên Hou Sahong sẽ tiến hành nạo vét lòng sông với độ sâu tối đa 5m từ đầu phía thượng lưu tới hạ lưu sát đập. Vật liệu sỏi đá nạo vét được từ lòng sông sẽ được dùng để trộn bê tông và xây dựng các đập phụ. Những vật liệu thừa sẽ được vận chuyển đến các địa điểm đã được lựa chọn cẩn thận từ trước trên hai đảo Don Sadam và Don Sahong.
Các nhà khoa học cho biết đoạn sông qua Don Sahong là con đường độc đạo phù hợp cho trên 1.000 loài cá có thể ngược về thượng nguồn Mekong theo mùa và lên các phụ lưu theo chu kỳ sinh sản và tăng trưởng của chúng. Vì vậy, khúc sông này được coi là “tử huyệt” của cả hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Việc xây dựng con đập chắn ngang đã chặn đường trở lại thượng nguồn của nhiều dòng cá di cư. Con đập tuy chỉ cao 30m (tạo công suất 260MW – nhỏ nhất trong số các đập đã và dự kiến xây trên dòng Mekong) nhưng bị nhiều chuyên gia đánh giá có tác hại vô cùng to lớn với sông Mekong.
Dù sao đi nữa, đúng như theo tiến độ dự án, hồ chứa của đập Don Sahong đã bắt đầu quá trình tích nước và chuẩn bị vận hành sản xuất, câu hỏi về sự “lợi hại” của công trình sẽ sớm được trả lời trong tương lai gần.
Tổng hợp