Chiều qua 1/7, Trưởng ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lào Bounpon Sisoulath đã báo cáo kết quả giám sát, thanh tra công tác thực thi Luật quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, đá khối, cát, sỏi… để các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo nói trên.
Theo nội dung báo cáo, ông Bounpon cho biết hiện Chính phủ và chính quyền địa phương cả nước đã cấp phép cho 885 hoạt động khai thác khoáng sản.
Trong đó bao gồm 320 dự án do Trung ương cấp phép, trong đó bao gồm 113 dự án đang trong giai đoạn thăm dò, 65 dự án đang thực hiện luận chứng kinh tế-kỹ thuật và 142 dự án đang trong quá trình khai thác.
Chính quyền các địa phương đã cấp phép cho tổng cộng 565 hoạt động khai thác khoáng sản.
Cũng đã có 402 công ty được cấp phép khai thác cát và sỏi dọc theo dòng sông Mekong, trong đó chủ yếu các do chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện quản lý,.
Báo cáo cũng cho biết lĩnh vực khoáng sản vẫn đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, đem lại 3.149 tỷ Kip, tương đương 370.55 triệu USD cho ngân sách trong giai đoạn 2016-2019, trong đó bao gồm 872.05 tỷ Kip tiền thuế, 2.060 tỷ Kip phí sử dụng tài nguyên, 216.72 tỷ Kip phí tô nhượng. Dự báo, ngành khoáng sản sẽ đóng góp vào ngân sách 2020 của Lào ước đạt 150 triệu USD.
Cũng theo nội dung báo cáo, khai khoáng cũng là một trong các lĩnh vực có nhiều tiêu cực và vi phạm.
Một số dự án được nhà nước cấp phép tô nhượng cho người Lào nhưng trên thực tế lại do người nước ngoài thực hiện như dự án khai thác đá khối tại thủ đô Vientiane, dự án khai thác fluorite tại Xayaboury. Trong khi đó, có nhiều dự án không có bất kỳ hoạt động phát triển nào như dự án thăm dò, khai thác quặng sắt và vàng tại Luangprabang và Attapeu; dự án tìm kiếm, khai thác và chế biến đá, sỏi công nghiệp tại Xaysomboun; dự án khai thác và chế biến đá tại Sekong; dự án khai thác, chế biến sắt và chì tại Khammuan; dự án được cấp phép khai thác cát, sỏi nhưng lại tự ý chuyển sang khai thác vàng tại tỉnh Vientiane.
Nguồn thu của Lào trong việc bán khoáng sản bị ảnh hưởng tương đối do giá cả thị trường thế giới giảm đáng kể trong năm 2016-2017 khiến tăng trưởng ngành này giảm 4.3% trong năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, cùng với điện lực, khoáng sản đang là một trong hai trụ cột của Kinh tế Lào. Trước khi tăng trưởng âm vào năm 2017, ngành khoáng sản Lào đã có thời gian phát triển 14 năm liên tục, kể từ năm 2003, đem lại trung bình 150 triệu USD cho ngân sách nước này mỗi năm. Năm 2012, ngành khoáng sản chiếm 7% GDP, 12% thu ngân sách và 10% GNI. Trong đó có 80% đầu tư đến từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ngoài tiềm năng phát triển to lớn, những rủi ro môi trường vẫn là thách thức đối với Chính phủ Lào. Nhiều dự án nghiên cứu khả thi cũng như một số dự án tô nhượng đang trong quá trình triển khai đã bị rút giấy phép do gây hại đến chất lượng môi trường, theo báo Vientiane Times.
Tổng hợp