Hiện nay, trường Đại học Tây Bắc có 836 lưu học sinh Lào đang theo học 23 ngành đào tạo đại học và 3 ngành đào tạo sau đại học, với các lĩnh vực: sư phạm, nông lâm, kinh tế, công nghệ thông tin.
Các lưu học sinh Lào học tiếng Việt tại Trường Đại học Tây Bắc (Ảnh: Baosonla) |
Trường Đại học Tây Bắc đã và đang thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế. Nhà trường đã đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh Lào, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Tây Bắc, cho biết: từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong thời gian Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội, các lưu học sinh Lào đã trở về nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến cho 477 lưu học sinh Lào, bảo đảm việc học không bị học đứt đoạn hoặc tiếp thu chậm kiến thức so với sinh viên Việt Nam. Sau giãn cách xã hội, trường đã cử các cán bộ, giảng viên phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức đón lưu học sinh Lào quay trở lại học tập.
Trở ngại lớn nhất đối với các lưu học sinh Lào khi sang Việt Nam học tập là bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen với môi trường học tập, môi trường sống. Xác định rõ nhiệm vụ, lãnh đạo nhà trường, các giảng viên, cán bộ và sinh viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Lào học tập trong điều kiện tốt nhất. Các giảng viên trực tiếp giảng dạy luôn gần gũi với lưu học sinh để các em yên tâm học tập tiếng Việt, cũng như các môn chuyên ngành, giúp các em hòa nhập với các hoạt động của lớp, khoa.
Nhà trường tổ chức các đội thanh niên tình nguyện, giúp lưu học sinh Lào thực hiện các bài tập trong những giờ tự học, tham gia các hoạt động để tăng khả năng giao tiếp, qua đó, củng cố và bổ sung vốn ngôn ngữ cần thiết trong giao tiếp và học tập.
Để các lưu học sinh Lào có điều kiện học tập tốt nhất, nhà trường luôn quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc về tâm tư, về đời sống vật chất cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, Đại học Tây Bắc còn thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho lưu học sinh Lào; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các em được tham gia vào các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao… Vào những dịp lễ, tết của hai nước, ngoài việc tạo điều kiện để các em được về thăm gia đình, trường còn tổ chức cho các em vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam tại trường.
Trong quá trình tổ chức đào tạo, nhà trường quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, lựa chọn những giảng viên có nhiều kinh nghiệm giúp lưu học sinh Lào ngay từ những bài học đầu tiên và làm quen với môn học. Đồng thời, trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ trong quá trình giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp cho các em đầy đủ các tài liệu liên quan, như: Từ điển, tài liệu tham khảo trên hệ thống thư viện điện tử của nhà trường; bồi dưỡng thêm cho những em lực học còn hạn chế.
Những nỗ lực của Trường Đại học Tây Bắc đã giúp các lưu học sinh Lào yên tâm học tập, tiếp thu kiến thức để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước Lào; góp phần thắt chặt và củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào nói chung, Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.
Từ năm 2015 đến 2019, Trường Đại học Tây Bắc đã tiếp nhận và đào tạo 1.035 lưu học sinh Lào; phát bằng tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ cho 158 lưu học sinh Lào. Công tác quản lý lưu học sinh Lào luôn được quan tâm, đảm bảo an ninh, an toàn cho lưu học sinh trong quá trình đi lại và học tập tại Việt Nam.
Theo Baosonla